Thứ ba, 18/01/2011 - 11:41

Chơi tranh ngày Tết đừng quên tranh dân gian Đông Hồ

Dù ai buôn bán trăm nghề Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh...

Tết đến xuân về, không thể bỏ qua thú chơi tranh. Bởi "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc" đó là 4 thú chơi tao nhã của người Việt xưa. Tranh Tết, không phải chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng thích chơi tranh. Tuy nhiên, tranh cho người lớn có phần khác so với trẻ em.

Ngày nay, thú chơi thứ nhì này có phần không thực sự được chú trọng hoặc cách chơi tranh cũng khác. Khác về cả cách chơi và loại tranh chọn chơi. Có lẽ một phần do tác động của nền kinh tế thị trường, của thời kỳ công nghiệp? Hay do người ta (nhất là lớp trẻ) không được hướng dẫn cách chơi? Đã vậy, những dòng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống... được du khách nước ngoài đặc biệt thích thú, nhưng đối với nhiều người Việt hiện nay lại... trở nên xa lạ.

Xin giới thiệu vài bức tranh Đông Hồ mà ngày xưa hầu như không thể thiếu trong mỗi gia đình, nhất là dịp Tết:

Bức tranh 1: Mục đồng


 Nói về ý chí tiến thân của người xưa.

Trong xã hội phong kiến ta ngày xưa, có rất nhiều những cậu bé thông minh nhưng tài năng của họ không được trọng dụng. Có một cậu bé là thần đồng, cậu căm ghét chế độ đương thời và đã bày ra một trò chơi: Lấy lưng trâu làm kiệu, lấy lá sen làm lọng, tạo ra một cái kiệu sang trọng giống của bọn vua quan ngày xưa và chỉ bọn vua quan mới có. Cậu ta ngồi trên lưng con trâu với một tư thế ung dung và tự tại. Và với tiếng sáo véo von của mình khiến chú trâu cũng vểnh tai lên nghe để hiểu được nỗi lòng của chủ nó muốn sau này phải đỗ đạt làm quan:

''Hà diệp cái thanh thanh''
( Lá sen màu xanh - màu của hy vọng )

Cậu bé hy vọng mình đỗ đạt làm quan.

Bức tranh 2: Dạ xướng ngũ canh hoà (Gà gáy năm canh)


Chữ Hán vế phải: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín.

Ý nghĩa: Chú gà trống oai phong lẫm liệt, bất khuất không sợ kẻ thù, đồng thời nó cũng thể hiện một đức tính cao quý là chữ Tín:Hằng ngày nó gáy không bao giờ sai. Gà trống bạn của người dân quê, luôn dậy đánh thức mọi người đúng giờ. ý nghĩa của tranh Thể hiện một người luôn đúng giờ, đồng thời mang nhiều điều tốt lành sang năm mới.

Bức tranh 3: Vinh Hoa (Vinh hiển, hào hoa)


- Chỉ có người con trai mới có đức tính như vậy.
ý nghĩa: Cầu chúc cho gia đình mình có con trai mang đầy đủ năm đức tính: văn, vũ, dũng, nhân, tín.
- Văn: thể hiện ở mào con gà: như mã quan tức là học thức của con người.
- Vũ, dũng: thể hiện ở móng và cựa của con gà, thể hiện sức mạnh của con người.
- Nhân: Khi kiếm được mồi con gà thường gọi bầy đàn bằng tiếng cục cục.
- Tín: Báo hiệu cho con người làm việc đúng giờ.
- Bông hoa cúc thể hiện cho sự cao sĩ của người đàn ông.

Bức tranh 4: Phú Quý


- Cầu chúc cho gia đình mình có con gái.
- Xưa các cụ có câu: ''Bách tử phú quí'' ( Sinh trăm con trai giàu sang ).
- Con vịt: rất hiền dịu, nữ tính, đông con thể hiện những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ.

Bức tranh 5: Đám cưới chuột


- Đây là một bức tranh phê phán, nhưng nó cũng thể hiện sự gan dạ dũng cảm của họ hàng nhà chuột. Để đám cưới chuột diễn ra một cách long trọng, dỉnh dang, thì họ nhà chuột đã xử trí một cách thông minh là cống lễ: mang chim , mang cá đến biếu họ nhà mèo.
- Phía bên trên tay phải là chữ Miêu ta không hiểu là ''Mèo'' (Vờm): đại diện cho thế lực tham quan phong kiến ngày xưa. Biết mình đi đến chỗ chết: một con bị sứt đầu, một con cụt đuôi và những con đi phía sau bao gồm : thân thủ (người có võ), lão thủ (già làng) , tắc nhạc (người thổi kèn) đưa tiễn hai con chuột này đến chỗ chết.
- Sau khi đã cống nạp xong rồi thì một đám cưới chuột diễn ra linh đình:
Đi đầu là chú tể (chú rể), và nghinh hôn (người rước dâu).

Bức tranh 6: Hứng dừa


- Chỉ hạnh phúc lứa đôi.
- Trong những ngày hội đầu xuân, những chàng trai cô gái đi hái lộc đầu xuân. Cây dừa cũng là biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi. Còn hình tượng của quả dừa cùi trắng nước trong thể hiện cho một tình yêu trong trắng của đôi trai gái.
- Trên thân cây dừa có một chàng trai rất to khoẻ và vạm vỡ. Chàng trai đã hái liền hai trái dừa đưa xuống cho cô gái vén váy lên hứng dừa(đây cũng là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong làng tranh).
- Có một câu hỏi đặt ra là: Tại sao chàng trai lại không hái từng quả một và đưa xuống cho cô gái dùng tay để đón. Lúc này chàng trai đã nghĩ ra một trò rất tinh nghịch và tinh quái. Chàng đã hái 2 trái dừa và đưa xuống, nếu cô gái dùng tay đón thì rất khó và sẽ bị rơi, 2 quả dừa sẽ bị tách ra làm đôi, hạnh phúc cũng từ đó mà ra đi. Bí quá, cô gái không còn cách nào khác vén váy lên hứng trọn lấy 2 trái dừa, tức là hứng trọn hạnh phúc của mình.
Thơ đọc từ phải qua trái:

''Khen ai khéo dựng lên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi''

Bức tranh 7: Gia đình (Lợn đàn)

lon_dan
Nói về sự no đủ, hạnh phúc của một gia đình. Khoáy âm dương thể hiện cho sự sinh sôi nảy nở.

Tranh Ðông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng hừng trên giấy điệp

Chỉ với mấy bức tranh dân gian này thôi, mà ngẫm nghĩ đã thấy các cụ ta ngày xưa sao mà sâu sắc đến thế. Tranh cũng rất đẹp, đẹp một cách giản dị nhưng vẫn cao sang, tao nhã và đặc biệt thấm đẫm hồnViệt. Chắc chắn nếu là người Việt Nam thuần chất ai cũng sẽ yêu thích dù trẻ hay già.

Bài và ảnh: Phạm Chức, (Có tham khảo sách làng cổ truyền Việt Nam)
Bài đăng trên tạp chí KHCN&MT số 1/2010
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến