Thứ ba, 18/01/2011 - 11:41

Nghệ thuật trong tranh dân gian Đông Hồ

Sáng tạo nghệ thuật trong tranh Đông Hồ không phải là cảm hứng trong sáng tác. Mỗi bản in thể hiện một truyền thuyết hoặc một câu chuyện ngụ ngôn mang tính triết lí, một bức thông điệp đầy màu sắc về đạo đức, luân lí và tín ngưỡng sâu sắc, hay một thông điệp từ hàng ngàn năm trước của cha ông.

Tranh in cũng thể hiện tính dí dỏm, khung cảnh ấm cúng của Tết Nguyên Đán đó là: hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng. Các con vật gần gũi với làng quê như cóc, gà, vịt, trâu, rồng và cá là biểu trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng, sự chăm chỉ cần cù, thông minh. Chúng ta cũng có thể thấy những bình luận về xã hội phong kiến qua các hình tượng tranh Đông Hồ. Bức tranh nổi tiếng Đám cưới chuột là sự thể hiện tài tình các thói hư tật xấu của xã hội phong kiến thông qua hình tượng các con vật một cách dí dỏm và sâu sắc.

Tranh đám cưới chuột - tranh Đông Hồ
Đám cưới chuột
(Tranh nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế)

Tranh làng Ðông Hồ không phải vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người ta dùng ván để in. Bởi vậy, chất lượng nghệ thuật của tranh phụ thuộc khá nhiều vào bản khắc gỗ. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo như vậy đòi hỏi phải có người vẽ mẫu trước. Những người vẽ mẫu và người chế tác bản khắc đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đức tính tỉ mỉ và đặc biệt phải có trình độ kĩ thuật cao. Sau khi hoàn thành bản khắc thì công việc in tranh không còn khó khăn gì, một người mới vào nghề cũng có thể in được.

Trong tranh Đông Hồ, ta bắt gặp quan niệm “sống hơn giống”. Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại mà mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Mặc dù sự vật, hiện tượng trong tranh không sát với thực tế đến từng chi tiết, và cũng có khá nhiều tranh trái với thực tế (như hình em bé ôm con cóc xấu xí, tranh em bé ôm con tôm, con cá với kích thước rất lớn) nhưng lại rất sống động, có hồn. Nghệ nhân làm tranh dường như ít quan tâm đến những qui tắc, công thức hình họa mà dụng công để thổi vào đó sự rung cảm của tâm hồn nghệ sĩ với những triết lí nhân sinh… Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lí hợp tình. Nghệ thuật vẽ của tranh Đông Hồ còn mang dáng dấp của nghệ thuật thời nguyên thủy. Điều này càng minh chứng cho tính cổ xưa của dòng tranh này.

Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và có sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài như vậy cũng bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hoá người Việt. Đó là con gà, con trâu, con cóc, con chuột; cảnh chăn trâu, đi bừa; các trò chơi vui ngày xuân như bịt mắt bắt dê, đánh đu, đấu vật… Nét vẽ giản dị, trong sáng, khoáng đạt chứ không cầu kì đi vào chi tiết. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết việc dùng màu sắc trong tranh cũng có ý nghĩa riêng và phải phù hợp với mỗi đề tài khác nhau: nền màu đỏ cho tranh đánh ghen để lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí lúc đó, nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình …
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến