Thứ ba, 18/01/2011 - 11:41

Tính cộng sinh trong bức tranh

Từ xưa đến nay, khi nhắc đến giá trị tư tưởng của bức tranh “Đám cưới chuột” nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ, người ta nói nhiều đến sự đấu tranh giai cấp trong xã hội phong kiến.

Nhân vật mèo cường hào ác bá, họ hàng nhà chuột thấp cổ bé họng cả đời không được sống yên thân vì lo sợ sẽ bị mèo ăn thịt. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, bức tranh còn một màu sắc khác, màu sắc mang tính triết học mà giản dị của sự cộng sinh và chính điều này tạo nên những giá trị tư tưởng mang đậm văn hóa Việt.

"Đám cưới chuột" - Tranh Đông Hồ
Ngày hội của cả làng

Nhìn vào bức tranh "Đám cưới chuột", ai cũng có thể thấy một ngày hội rực rỡ đang diễn ra. Gia đình nhà chuột không có vẻ gì cáu kỉnh, chỉ hơi nghiêm túc hơn một chút vì ít nhiều đó cũng là thời khắc của một đám cưới.

Nhân vật mèo nhận lễ trong tư thế trang trọng, có đôi chút dò xét nhưng cũng tỏ rõ thái độ tôn trọng ngày lễ lớn của đôi vợ chồng mới. Theo thang bậc của tự nhiên, sự chia sẻ này là cách để họ hàng nhà chuột giải quyết mâu thuẫn tự sinh giữa chuột và mèo. Họ hàng nhà chuột, vốn hiểu sự yên ổn của mình cần có cả sự no đủ của mèo nên đã “mừng mà làm” (“hưng tác”, chữ trên đầu nhân vật chuột thứ hai).

Đám cưới diễn ra rất đúng nghi lễ, ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau. Chàng xênh xang hớn hở trong bộ áo gấm xanh, nàng mặc áo màu gụ. Họ được rước đi, rạng rỡ trên con đường làng màu son nhạt với những vạt cỏ màu mạ. Chuột chú rể được che lọng tía tượng trưng cho vinh quang, danh vọng lớn. Chuột cô dâu dịu dàng trong chiếc kiệu bát cổng có nhiều hoa văn trang trí. Bốn chú chuột hầu hạ, ghé vai khiêng. Đám rước còn có biển đỏ, dàn nhạc. Hai chú chuột thổi hai chiếc kèn có cung bậc khác nhau: Kèn pha và kèn đại.

Bức tranh tưng bừng về màu sắc, hài hòa về nhân vật và rất dễ nhận thấy niềm vui và sự sinh sôi đâu đó. Nó khiến người ta nhớ lại những đám cưới đầy màu sắc của Việt Nam thời xa xưa, những đám cưới được tổ chức trong một tâm thế hết sức thiêng liêng và ẩn chứa đầy bí mật của những nghi thức được truyền lại từ bao đời, những đám cưới mà chỉ cần nghe thấy tiếng khèn cũng đã có thể tưởng tượng ra cảnh dân làng mặt mày rạng rỡ chen chúc nhau ra xem cô dâu...

"Đám cưới chuột" - tranh Trung Quốc
Văn hóa làng xã của Việt Nam khiến mọi ngày lễ của gia đình đều trở thành ngày lễ của cả làng. “Người dân Việt Nam thường gia đình hóa các mối quan hệ xã hội, coi xã hội như một gia đình mở rộng nên họ lấy cái dĩ hòa vi quý làm trọng. Có thể thấy điều này rõ hơn nếu nhìn vào tranh Đám cưới chuột của Trung Quốc. Trung Quốc là một xã hội phân hóa giai cấp rất sâu sắc. Mèo trong bức tranh này cũng quyết liệt hơn và chuột của họ cũng nháo nhác hơn”, GS Ngô Đức Thịnh, thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa nói.

Nét văn hóa này cũng góp phần khiến tính cộng sinh trở nên quan trọng trong xã hội Việt Nam. Cũng theo GS Ngô Đức Thịnh, sự dĩ hòa vi quý đó khiến người Việt Nam xử lý tình huống và mâu thuẫn có tình hơn. Ông cho rằng trong một xã hội phát sinh giai cấp thì sự đấu tranh là có, tuy nhiên sự cộng sinh vẫn là yếu tố chính để phát triển.

Bức tranh thể hiện rất rõ tâm lý dĩ hòa vi quý của người Việt, muốn mọi người xung quanh cũng được no đủ, hưởng niềm vui để cuộc sống của mình cũng được yên ổn nhờ đó. Đó chính là ý nghĩa cộng sinh của cuộc sống đa dạng sinh học mà các tác giả dân gian đã gửi gắm. “Chuột và mèo ở đây là hai mắt xích của hệ thống tự nhiên hoàn chỉnh. Sự tồn tại của anh này ảnh hưởng đến sự tồn tại của anh kia. Nó mang cả trong mình quan niệm về triết học chứ không chỉ đơn thuần là xã hội học. Đó là sự tồn tại của những mặt đối lập nhau”, GS Ngô Đức Thịnh khẳng định.

G.S Ngô Đức Thịnh
Cộng sinh để phát triển

Bức tranh gồm có hai nội dung chính: Thứ nhất, mô tả cảnh họ hàng nhà chuột dâng lễ cho mèo, làm nền cho nội dung thứ hai, đám cưới chuột diễn ra an bình hạnh phúc. Ở chân nhân vật chuột thứ nhất, được coi là chuột dạn dày kinh nghiệm đến nỗi mất cả đuôi có chữ “tống lễ” (dâng lễ). Bốn nhân vật chuột đi dâng lễ tỏ thái độ rất thân thiện và vui vẻ, niềm vui tự nhiên đến với con người mỗi khi được chứng kiến hoặc tham gia vào một lễ cưới, niềm vui đến một cách vô thức và trong ngày đó, con người như hiền hòa vị tha hơn. Hai nhân vật chuột thổi kèn chắc có lẽ đã làm mèo hết sức lấy làm vừa lòng, ắt hẳn mèo đã nhận lễ trong một cam kết kín đáo với chính cuộc sống của mình, trong một môi trường cực kỳ không đáng để giận dữ: Nhận lễ trong tiếng nhạc, thứ luôn khiến vạn vật vạn người thấy, hòa bình chung sống là điều hạnh phúc nhất.

Sự phân chia nội dung tranh cho thấy tác giả dân gian đã ngầm nói rằng họ hàng nhà chuột, để có được đám cưới linh đình kia, buộc phải làm những động tác dâng lễ cho mèo. Có thể nói, đám cưới đó một phần chính là kết quả của việc họ hàng nhà chuột đã khiến kẻ đối địch với mình được hưởng niềm vui của sự no đủ, điều kiện để mèo không ăn thịt chuột nữa. Mèo sinh ra vốn là để ăn thịt chuột, sự quy định mang tính tự nhiên này khó có thể bị một nguyên tắc đạo đức nào chi phối. Nó chỉ có thể được điều chỉnh bằng những cam kết từ hai phía, như nội dung dâng lễ trong bức tranh đã nói.

Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược
Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược, người đã từng công tác tại Viện Hán Nôm, nghiên cứu rất nhiều về văn hóa dân gian cho rằng: “Nhân vật mèo đứng đó chỉ như một lẽ tự nhiên của cuộc sống, một lẽ đời mà họ hàng nhà chuột hiểu hơn ai hết: tôi hạnh phúc và tôi muốn mèo cũng được hưởng những niềm vui ấy và “mừng mà làm” để hài hòa cuộc sống, để đôi bên cùng được hưởng niềm vui trong một ngày mà không ai muốn có chiến tranh xảy ra, ngày hạnh phúc không chỉ của đôi lứa mà còn là một sự cam kết thầm kín về một ngày sinh sôi nảy nở không xa, đích đến của mọi giao kết âm dương trên đời mang tên Phát triển”.

Nhưng cuộc sống không đơn giản là đám cưới, cũng không chỉ có một loài mang tên Chuột sinh sống. Đó là lý do vì sao đoàn chuột chú bác kia mới cần phải khiến mèo cũng cảm thấy mình được no say trong một ngày mà cả làng say xưa uống rượu mừng. TS Cung Khắc Lược nói: “Đoàn chuột tống lễ rõ ràng già dặn hơn đoàn đưa dâu rất nhiều, nhất là nhân vật chuột đi đầu. Âu đó cũng là lẽ thường tình, họ đủ khôn ngoan hơn và tất nhiên, khéo léo hơn để hiểu rằng trong thế giới cộng sinh, sự nhường nhịn và chia sẻ là cần thiết”.

Tư duy cộng sinh này rốt cục cũng đã mang lại kết quả tốt đẹp cho họ hàng nhà Chuột. Đám cưới diễn ra thật tốt đẹp, thật hứa hẹn. Họ hàng nhà Chuột, trải qua bao đời đã trở nên mềm dẻo và thích ứng. Gọi đó là tư tưởng cũng tốt mà là bản năng sinh tồn mách bảo thì có lẽ giản dị và phù hợp với người Việt hơn, một dân tộc có những con người hiền hòa muốn chung sống hòa bình, muốn tất cả cùng được hưởng niềm vui, vì đích đến của cuộc sống, dù rộng lớn bao nhiêu thì cũng là sinh sôi nảy nở.

Phong Thiện
Theo Gia Đình, 05/09/2009
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến