Thứ hai, 01/02/2010 - 13:47

Làm gì để bảo tồn và phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ?

Tranh dân gian Đông Hồ hình thành từ bao giờ chưa có tài liệu nào khẳng định chắc chắn, chỉ biết rằng nó phát triển phù hợp với đời sống tinh thần của người dân mỗi thời kỳ. Ban đầu chỉ đơn thuần là nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, về sau trở thành xu hướng thẩm mỹ của người dân.

Đến nay, cũng chưa có thống kê chính xác số mẫu tranh có bao nhiêu thể loại mà các gia đình làm tranh đã sưu tầm được trên 100 mẫu tranh. Vào lúc nghề làm tranh Đông Hồ hưng thịnh nhất, chợ tranh ở đình làng tấp nập kẻ bán người mua. Màu sắc trên tranh Đông Hồ đẹp mà đậm chất dân gian bởi được làm từ những nguyên liệu tự chế: màu trắng từ vỏ con điệp tán nhỏ, mịn, màu đỏ vang lấy từ cây vang trên rừng, màu vàng lấy từ vỏ hoa hoè hoặc quả rành rành, màu son lấy từ bột hòn sỏi son, màu đen chế từ than lá tre, than rơm, cộng thêm các màu hoa đào, nâu đất, cánh kiến được pha chế từ các màu cơ bản (như các dòng tranh khác). Các đại biểu dự hội thảo đều nhất trí rằng, với những nét độc đáo ấy, tranh Đông Hồ không chỉ cần bảo tồn mà còn phải được phát triển xứng tầm. Cụ Nguyễn Đăng Triện, cao niên của dòng họ Nguyễn Đăng cho rằng, công tác bảo tồn ở Bảo tàng Mỹ thuật hay Bảo tàng tỉnh chỉ dừng lại ở việc lưu giữ những bức tranh cụ thể, nếu có nhà bảo tồn tại chỗ thì mới có điều kiện lưu giữ một số công cụ, ngoài bản khắc còn bìa, chậu phẩm, thét, sơ mướp, đèn son… cùng với một số loại có đề tài mới: ông Tây, bà đầm hiện không còn sản xuất nữa. Cụ Triện cho rằng, để phát triển dòng tranh này rất cần sự quảng bá, vì trên thực tế, một số trường Văn hoá - Nghệ thuật có đưa học sinh, sinh viên về thăm làng nghề song cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” vì cơ sở chưa có dịch vụ hướng dẫn tìm hiểu. Chiều sâu và ý nghĩa của các bức tranh chưa được thế hệ sau tiếp cận một cách thấu đáo.

Ông Đặng Gia Trọng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành trong bài phát biểu của mình cũng nêu rõ: Để gìn giữ và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ cần quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử của dòng tranh, quy trình sản xuất tranh. Muốn làm được điều này, phải có sự phối hợp giữa các nghệ nhân với Phòng Giáo dục & Đào tạo sưu tầm, biên soạn tài liệu giảng dạy cho học sinh tất cả các trường trong huyện. Việc truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng cần được quan tâm nhằm khôi phục, tiếp nối truyền thống. Yêu cầu Đảng uỷ - UBND xã Song Hồ, thôn Đông Khê quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, trùng tu tôn tạo khu di tích Đình làng, khôi phục chợ tranh cùng hệ thống cây xanh, cảnh quan đón du khách tới thăm quan. Gợi mở hướng phát triển theo hướng quảng bá, ông Trọng cho biết UBND huyện Thuận Thành đang có kế hoạch xây dựng đề án phát triển du lịch Thuận Thành nằm trong quần thể du lịch Bắc Ninh và cả nước. Đây là điều kiện tốt hứa hẹn để Trung tâm giao lưu văn hoá dân gian tranh Đông Hồ, làng tranh Đông Hồ trở thành địa chỉ hấp dẫn đối với khách du lịch.

Những ý kiến tâm huyết nhằm gìn giữ và phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ đã bước đầu hé mở những hướng đi cho một dòng tranh đặc sắc. Để nghệ thuật tranh Đông Hồ hưng thịnh không chỉ trong ký ức, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc giới thiệu, quảng bá. Tin rằng, với thuận lợi bước đầu là sự hoạt động của Trung tâm giao lưu văn hoá tranh dân gian Đông Hồ, một tương lai tươi sáng sẽ đến với dòng tranh quý của vùng đất Bắc Ninh văn hiến.


Vy – Cẩm (theo Báo Bắc Ninh Online)

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến