Thứ hai, 01/02/2010 - 13:47

Giấy dó - chất liệu của tranh dân gian Việt Nam

I. Muốn làm ra giấy thì phải có chất liệu làm giấy. Vì vậy, trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu về cây dó giấy - nguyên liệu sản xuất ra loại giấy dân gian này.


hoa-do-giay


Hoa dó giấy 


Sau đây là thông tin về loài cây này, được trích trong Sách đỏ Việt Nam, trang 235:

Tên Việt Nam: Dó giấy

Tên Latin: Rhamnoneuron balansae (Drake) Gilg, 1894
Họ: Trầm Thymelaeaceae
Bộ: Trầm Thymelaeales
Nhóm: Cây gỗ lớn

Mô tả:
Cây gỗ nhỏ, cao 8 - 12m, với đường kính thân ít khi đến 0,2m. Cành non phủ đầy lông. Lá mọc cách; phiến hình trứng - thuôn, dài 10 - 20cm, rộng 3 - 3,5cm, tròn, đôi khi không đối xứng ở gốc, thót nhọn ở đầu, mỏng, nhẵn ở mặt trên có lông ngắn và nằm ở mặt dưới, có 20 - 25 đôi gân, bậc hai gần như song song; cuống lá dài 3 - 4mm, có lông và có cánh. Cụm hoa ở đầu có nhiều lá chùy thưa dàii hơn lá, có lông.

Cụm hoa đơn vị là tán, gồm 4 hoa không cuống, khi non được bao bởi hai lá bắc tổng bao dài 6 - 7mm, có lông len. Hoa màu trắng, lưỡng tính, thơm. ống đài dài 1cm, hơi loe ở giữa, phủ đầy lông ở ngoài, nhẵn, ở trong mang 4 lá đài trên đầu. Lá đài hình trứng, to nhỏ không bằng nhau, dài 2mm, có lông ở mặt ngoài. Nhị 8, xếp thành hai vòng không dài bằng nhau.

Đĩa tuyến mật cao 1,5 - 2mm, hình chén mỏng, mép lượn sóng. Bầu hơi có cuống, phủ đầy lông; vòi ngắn; núm to, gần hình bán cầu. Quả khô không tự nở, hình trứng, dài 7mm; vỏ quả ngoài mỏng, phủ đầy lông màu vàng nhạt. Hạt hình thoi, dài 6mm, rộng 1,7mm.

Sinh học:
Mùa hoa tháng 11 - 6, mùa quả chín tháng 3 - 10. Cây sinh bằng hạt.

Nơi sống và sinh thái:
Thường mọc ở ven suối ẩm, nơi có ít ánh sáng, ngoài cửa rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở độ cao không quá 1200m.

Phân bố:
Việt Nam: Lai Châu (Phong Thổ: San Tan Ngai), Yên Bái (Trấn Yên: Trái Hút), Vĩnh Phú (Phú Thọ: Phụ Hội), Lạng Sơn (Bắc Sơn), Hà Tây (Ba Vì), Hòa Bình (Đà Bắc: Núi Biện), Quảng Ninh (Quảng Hà : Hà Cối, Tiên Yên), Nam Hà (Ban Phet), Quảng Nam - Đà Nẵng (Trà My), có trồng ở vài nơi.

Thế giới: Trung Quốc.

Giá trị:
Nguồn gen độc đáo. Loài duy nhất của chi Rhamnoneuron đặc hữu Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Vỏ thân có nhiều sợi dai, dùng làm gậy tốt.

Tình trạng:
Sẽ nguy cấp. Mặc dù loài phân bố khá rộng nhưng có số lượng cá thể không nhiều và sắp bị đe dọa tuyệt chủng vì môi trường sống bị phá hủy. Mức độ đe doạ: Bậc V.

Như vậy là loài cây dó giấy này nằm trong danh mục những cây co nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Nếu chúng ta không bảo vệ nó, có lẽ sẽ chẳng còn tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống cho mọi người xem nữa đâu!

II. Giấy dó
Người ta lấy vỏ cây dó giấy để sản xuất giấy dó. Giấy dó được dùng để in trực tiếp các dòng tranh dân gian như Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây), Nam Hoàng (Nghệ An), làng Sình (Huế) và để làm giấy điệp (quết bột điệp lên giấy dó) để in tranh Đông Hồ (Bắc Ninh). Bên cạnh đó, giấy dó còn là loại giấy dùng để viết thư tín, in sách, viết các sắc phong thời cổ bởi tính dai và bền có thể bảo quản lâu của nó.

Sản xuất giấy dó
 (Nguồn: wikipedia)


Nghiên cứu tại các cơ sở sản xuất giấy dó ở Việt Nam cho thấy, về cơ bản, giấy dó sản xuất thủ công, không có tác động hoá chất tạo axít trong giấy. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Khi xeo giấy, người thợ dùng liềm xeo (khuôn có mành trúc hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho tờ giấy xốp. Vì xốp nên giấy rất nhẹ. Sau cùng là phơi hoặc sấy.

Các công cụ sản xuất hầu như bằng tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô giấy. Giấy dó được sản xuất theo quy trình này không có độ axít dẫn đến tuổi thọ cao. Một số tài liệu cho rằng giấy dó có độ tuổi thọ tới 500 năm.

Đặc tính lý hóa của giấy dó (Nguồn: wikipedia)


* Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc dòn gẫy, ẩm nát.


Giấy dó xốp, nhẹ do nguyên liệu, cách chế biến, xử lý nguyên liệu và công nghệ sản xuất giấy dó quy định. Giấy dó có cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi li ti cố kết với nhau tựa mạng nhện, nhiều lớp, không theo thứ tự sợi ngang, dọc như tấm lụa dệt, mà theo dạng chuyển động brown, đa chiều. Giấy dó có trọng lượng riêng bằng khoảng một nửa các loại giấy sản xuất công nghiệp.


Giấy dó Yên Thái đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới và được bạn hàng ưa chuộng. Các hoạ sĩ người Pháp đã sử dụng giấy dó Yên Thái (khổ lớn) để vẽ tranh bằng mực tầu theo phương pháp tranh cổ điển phương Đông. Một vài bảo tàng ở châu Âu cũng đã dùng giấy dó để lót bồi phía sau tranh vẽ. Với đặc tính chống ẩm rất cao, giấy dó giúp cho các tác phẩm nghệ thuật không bị ẩm mốc.

* Độ bền:
Tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, trong số những tài liệu giấy, thì tài liệu giấy dó có tuổi thọ cao nhất. Các tài liệu giấy dó là những loại tài liệu được sản sinh lâu đời nhất, từ khi các phương tiện bảo quản chưa được phát triển.

* Bắt màu, hút ẩm và thoát ẩm: Vì xốp nên giấy dó rất dễ bắt màu khi viết, in


 


* Cách nhiệt, cách âm, thẩm âm, cháy kiệt: Cũng vì xốp nên giấy dó cách nhiệt, cách âm tốt, do có cấu trúc dạng sợi đa chiều

Tiếng nện chày giã giấy dó đã đi vào ca dao:
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây H
Các loại giấy dó
Giấy dó sản xuất tại làng An Cốc (Hà Tây) có 7 loại:
- Giấy phương
- Giấy trúc
- Giấy khay
- Giấy để tạo giấy sắc
- Giấy vua phê
- Giấy hành ri
- Giấy dó bìa

Tại Hà Nội:
- Giấy sắc (Nghĩa Đô)
- Giấy moi, giấy phèn làm từ nguyên liệu thô hơn, có mặt giấy khô ráp, sử dụng để gói hàng (Triều Khúc, Yên Thái)
- Giấy xề: làm từ các đầu mẩu vỏ dó bị loại bỏ (làng Kẻ Cót hay làng Cót)

Ứng dụng
- In sách: ngày xưa người Việt in bằng công nghệ in giấy bản trên ván gỗ. Ngày nay, nhà thơ Nguyễn Duy sử dụng máy in phun để in trên giấy dó
- Ghi chép: thích hợp với sử dụng bút lông
- Vẽ tranh dân gian
- Đồ chơi Trung Thu
- Vàng mã
- Làm quạt
- Bao bì
- Giấy chống ẩm
- Sản xuất tấm cách âm, cách nhiệt, làm màng loa máy thu thanh

III. Giấy điệp - loại giấy đặc trưng cho tranh Đông Hồ

Trong khi các dòng tranh dân gian khác được in/vẽ trên giấy dó thì chỉ có duy nhất tranh Đông Hồ được in trên giấy điệp.


Giấy điệp được làm từ giấy dó. Trong quy trình sản xuất loại giấy này, người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, vỏ có nhiều vân óng ánh bạc rồi trộn bột đã nghiền với hồ (bột gạo nếp đã được nấu) rồi dùng chổi lá cây thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng, có ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp.


Trước khi in tranh, người dân làng Đông Hồ phải mua giấy dó từ các làng nghề làm giấy dó (bên trên) rồi về cắt nhỏ thành từng khổ rồi quết điệp lên. Khi quết điệp lên thì giấy trở nên rất sáng bóng, lấp lánh dưới ánh sáng. Bởi vậy, nhà thơ Hoàng cầm đã viết về loại giấy này như sau: "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" - viết quả không sai.


TranBinhKB

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến