Thứ hai, 01/02/2010 - 13:47

Con trâu trong nghệ thuật tạo hình dân gian

Khi xã hội nguyên thủy chuyển từ thời kỳ đồ đá cũ sang thời kỳ đồ đá mới (cách đây mấy vạn năm), trên vách hang Đồng Nội thuộc nền văn hoá Hoà Bình đã có hình khắc một con thú ăn cỏ bên cạnh hình ba mặt người. Con thú này với cặp sừng cong cong, cánh mũi lớn, mắt to, miệng rộng, gợi nghĩ ngay đến con trâu. Vào thời kỳ đồ đồng, hình trâu khắc trên trống đồng đã được tìm thấy ở xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc – Thanh Hoá). Điều đặc biệt ở đây là hình trâu không khắc trên mặt trống mà khắc ở tang trống và thân trống. Trên thân có 8 con; trên tang có 4 con trên 4 chiếc thuyền, mỗi thuyền một trâu và bên cạnh là một người hướng về phía trước. Đó là con trâu của thời đại Hùng Vương.

Thời Bắc thuộc, có tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh), tạc ở thế nằm, to bằng con nghé (dài 102cm, cao 88cm). Ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) xây dựng năm 1057, trên đài sen ở sân trước có tạc cặp sừng trâu to bằng sừng trâu thật. Ở lăng vua Trần Hiến Tông (Quảng Ninh) cũng có tượng trâu, dài 103cm, cao 56cm, là vật hiến tế nhưng được tạc ở tư thế nằm quay đầu về một bên rất tự nhiên. Ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) xây dựng năm 1647, trên lan can đá thượng điện và tháp Bảo Nghiêm đều có hình chạm nổi trâu, con thì nằm thảnh thơi, con thì qùy trên những xoáy sóng dữ dội, quay đầu nhìn mặt trời.

Tại Văn Miếu (Hà Nội), các bia tiến sĩ cũng có trang trí hình trâu. Trên diềm của tấm bia chạm năm 1653, đối diện cảnh cầu hiền là cảnh cày tịch điền có 3 lớp hình: cận cảnh là con trâu xoay ngang, đứng co một bên chân, đằng sau có hai viên quan mũ cao áo dài chắp tay thi lễ, và sau cùng là chiếc cày chỉ còn hở nửa trên. Trong tranh khắc gỗ của dòng tranh dân gian Đông Hồ, có bức “Trâu Sen” ca ngợi cảnh thanh bình đầm ấm của một làng quê với hình ảnh chú mục đồng xếp bằng trên lưng trâu thổi sáo; con trâu màu đen tuyền với đôi sừng cong như hai cánh cung có đường viền trang trí – nó dỏng tai, nghếch mõm lên như đang thưởng thức tiếng sáo dìu dặt, thấm đậm hồn quê dân dã của mục đồng.

Trong tranh dân gian Hàng Trống, ở bức “Cờ lau tập trận”, những con trâu thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh không khác bao nhiêu so với các con trâu trong tranh “Ngư Tiều Canh Mục” hay “Canh Nông Chi Đồ” - rất hiền lành và hồn nhiên. Trong bức “Thập nhị thần” (12 con vật tượng trưng cho 12 năm trong 1 giáp), con trâu được vẽ đơn giản với vài đường nét, vài mảng đen trắng giống như trong các tranh dân gian Kim Hoàng… Trong cặp tranh “Em bé chăn trâu”, một bức vẽ em bé nằm ngửa trên chiếc chiếu trải trên lưng trâu, thả chiếc diều no gió căng phồng, phía trên đầu trâu có dòng chữ “Nhất tướng phúc lộc điền” (Diều no phúc lộc). Bức kia thì vẽ em bé cưỡi con trâu, trâu đang bước thủng thẳng, nghiêng đầu vểnh tai nghe tiếng sáo, còn em bé dựng một tàu lá sen xòe rộng như chiếc lọng che trên đầu, phía trên đầu trâu có dòng chữ “Hà diệp cái thanh thanh” (Lọng xanh lá sen)…

Nói chung, hình tượng con trâu trong tranh, tượng dân gian lúc nào cũng chân thực, giản dị và vô cùng gần gũi với người lao động.


Vân Anh (Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến