Thứ ba, 18/01/2011 - 11:41

Bộ tranh Tứ quý

Đây là những bức tranh được biết đến rất nhiều trong tranh Đông Hồ. Nội dung của những bức tranh Lạc Việt này, ngoài việc thể hiện những giá trị đạo lí và mơ ước của con người, còn thể hiện sự hoà nhập giữa con người và thiên nhiên qua hình ảnh những đứa trẻ bụ bẫm – thể hiện sự phú túc và tính thơ ngây thiên thần – với những sinh vật gần gũi trong cuộc sống.

- Tranh Lễ trí: là hình ảnh em bé ôm con rùa. Ý nghĩa của tranh được thể hiện ở chữ “Lễ trí” – cầu mong em bé có được cái “lễ” để ứng xử phải phép với mọi người và cái “trí” giỏi giang sau này. Tranh này còn được gọi bằng một cái tên dân dã khác là “Gái sắc bế rùa xanh” với ý cầu cho bé gái lớn lên được xinh đẹp, nhu mì, hiền dịu, chăm chỉ, đảm đang như con rùa).


Nhân nghĩa (Tranh nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam)


Nhân nghĩa
(Tranh nhà họa sĩ Nguyễn Đăng Giáp, con cố nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm ở Hà Nội)

- Tranh Nhân nghĩa vẽ hình em bé ôm cóc. Trong văn chương truyền miệng Việt Nam, chắc cũng chưa ai quên hình ảnh con cóc trong truyện “Cóc kiện trời”, hoặc câu ca dao:

Con cóc là cậu ông trời
Ai mà đámh cóc thì trời đánh cho

Ông Trời – chúa tể của vũ trụ – linh thiêng là thế, uy vũ là thế, mỗi khi con người gặp chuyện gì không vừa ý lại kêu trời. Vậy mà cóc còn là cậu của ông trời mới oai chứ! Đúng là “oai như Cóc”. Tranh có chú thích chữ "nhân nghĩa" ấy chính là lời cầu chúc cho các cháu bé được tặng tranh có được cái Nhân, cái Nghĩa như con cóc tía trong truyện cổ: mình mẩy tuy có thể xấu xí, bé nhỏ song dám lên kiện cả ông trời để đòi mưa cho dân làng. Chính vì vậy tranh vẽ hình em bé ôm con cóc một cách trìu mến. Không có sự giải thích nội dung tranh sẽ trở nên khó hiểu vì ai mà bồng bế một con cóc bao giờ.

Tranh Nhân nghĩa vì vậy còn được gọi là tranh Trai tài ôm cóc tía, đối xứng với tranh Gái sắc bế rùa xanh.

Vinh hoa
(Tranh nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế)

- Tranh Vinh hoa là hình bé trai ôm gà trống. Gà trống chữ Hán là đại kê, có âm đồng với chữ đại cát/đại kiết. Đại cát cũng là tên một quẻ bói tốt nhất trong Bát quái (xem tranh Đại cát)


Phú quý
(Tranh nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế)

- Tranh Phú quý là hình bé gái ôm con vịt.

Ý nghĩa chúc tụng của bốn bức tranh này đều được nghệ nhân thể hiện rõ ràng ở tên tranh. Trong bộ tứ quí này lại được chia làm hai cặp bé trai – bé gái: Lễ trí – Nhân nghĩa và Vinh hoa – Phú quý với hàm ý chú cho có con cái thì phải có đủ cả trai lẫn gái, hay “có nếp có tẻ” như cách nói của các cụ xưa, như vậy mới là tròn đầy.

Qua những bức tranh dân gian khác của làng Đông Hồ (1), bạn đọc lại thấy hình ảnh đặc thù quen thuộc từ thời Hùng Vương. Đó là con Cóc, một biểu tượng cho nền văn minh chữ viết của Văn Lang; con Rùa biểu tượng cho phương tiện chuyển tải chữ viết ở thời kỳ đầu lập quốc ("giống rùa lớn thường chỉ thấy ở sông Dương Tử”, như học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết trong tác phẩm "Sử Trung Quốc” của ông). Hình ảnh trong tranh chú bé ôm Rùa, ôm Cóc là những hình tượng rất đặc thù trong văn hoá Việt Nam. Có thể nói rằng: khó có thể chứng minh được những hình ảnh này đã xuất hiện đâu đó từ một nền văn hoá khác; hoặc có thể chứng minh được rằng: những hình tượng này xuất hiện từ thời Việt Nam hưng quốc. Hay nói một cách khác: nội dung và những hình tượng này đã có từ một thời rất xa xưa: Thời Hùng Vương, cội nguồn của văn hoá Việt Nam. Bên cạnh những nét nghĩa gần gũi, dân dã đã phân tích bên trên, trong nội dung sâu xa của bộ tranh này, chúng ta còn nhận thấy một tư duy tiếp nối và là hệ quả của một thuyết vũ trụ quan cổ. Đó là thuyết Âm dương Ngũ hành.

Trong đời sống con người thuộc văn hóa cổ Đông phương lưu truyền trong dân gian, khá phổ biến những hiện tượng liên quan đến con số “4”: Tứ trụ, tứ quý tứ bình, tứ bảo, tứ bất tử..vv… Nhưng ý niệm về “tứ quý” bắt đầu từ đâu? Trong các sách cổ còn lưu truyền coi “tứ quý" là bốn tháng trong năm là: Tháng Tí (tháng một (2)) – thuộc Thủy, tháng Mão (Mẹo, tháng hai) – thuộc Mộc, tháng Ngọ (tháng năm) – Thuộc Hỏa, tháng Dậu (tháng tám) – thuộc Kim (Tứ sinh: Dần, Thân, Tị, Hợi. Tứ Mộ: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi). Trong quan niệm cổ Đông phương Ngũ hành được ghép với 4 mùa (3). Nhưng trong các sách cổ chữ Hán và kể cả các sách nghiên cứu mới nhất, đều không nói đến nguyên lý nào để ghép Ngũ hành với bốn mùa. Đây là một chứng lý nữa chứng tỏ sự thất truyền của thuyết Âm dương Ngũ hành. Thực ra việc Ngũ hành thể hiện qua bốn mùa là hệ quả của học thuyết Âm dương Ngũ hành – một học thuyết hoàn chỉnh và nhất quán tồn tại từ lâu trong văn minh cổ Đông phương. Cụ thể là văn minh Văn Lang, dưới triều đại của các vua Hùng. Để minh chứng điều này, chúng ta xem lại đồ hình Hà đồ.

ĐỒ HÌNH HÀ ĐỒ
do vua Phục Hy phát hiện trên lưng Long Mã

HÀ ĐỒ CỬU CUNG
(xoay 180o theo bản đồ hiện đại)

Đồ hình này được công bố vào đời Tống. Trước Tống trong các bản văn chữ Hán chỉ nhắc tới Hà đồ một cách mơ hồ và chẳng ai biết tới đồ hình này. Nhưng chính đồ hình này lại là một biểu tượng hoàn hảo việc thể hiện sự vận động của bốn mùa trên trái đất. Do đó, việc đồ hình Hà đồ xuất hiện vào thời Tống và được coi là sự tiếp tục phát triển việc thể hiện ghép Ngũ hành với bốn mùa từ thời Hán thì lại là sự vô lý. Bởi vì, trong các bản văn chữ Hán trước Tần đã nhắc đến Hà đồ và thực tế ứng dụng trong Hoàng đế nội kinh tố vấn (4) đã chứng tỏ: Hà đồ đã tồn tại từ lâu trong văn hóa cổ Đông phương. Nhưng trước Tần trong các bản văn nếu nói đến Âm Dương thì lại thiếu Ngũ Hành và thứ tự thời gian xuất hiện lại bị đảo ngược theo kiểu:

Sinh con rồi mới sinh cha
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông(5)

Cho đến tận ngày nay, ngay trong giới học thuật cũng coi Hà đồ là một đồ hình đầy bí ẩn; trong vòng 1000 năm – từ Hán đến Tống – họ cũng chưa hề nhìn thấy Hà đồ. Ngược lại, trong văn hóa dân gian Việt Nam, thì lại chứa đựng những yếu tố có khả năng hiệu chỉnh và làm thay đổi có tính rất căn để những vấn đề của thuyết Âm dương Ngũ hành còn lưu truyền trong cổ thư chữ Hán. Quan trọng hơn cả là những di sản văn hóa ít ỏi ấy lại có chức năng như cái chìa khóa mở cánh cửa huyền bí của nền văn hóa Đông phương. Trong đó, ngăn quan trọng nhất và chứa đựng sự bí ẩn lớn nhất chính là đồ hình Hà đồ. Trong bộ tranh dân dã của nền văn minh Lạc Việt trình bầy trong phần này, là sự tiếp nối và bổ sung hoàn hảo cho tranh thờ Ngũ hổ về sự vận động của bốn mùa. Sự giải mã bộ tranh này sẽ là một bằng chứng sắc sảo nữa chứng tỏ rằng: chính nền văn minh Lạc Việt là chủ nhân đích thực của nền văn minh Đông phương.

Theo cái nhìn của tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh: Bốn bức tranh này thể hiện “Tứ quý” ngay từ cái tên gọi của nó (phú quý, vinh hoa, nhân nghĩa, lễ trí), đồng âm với “Tứ quý” tức là 4 tháng nói trên của 4 mùa trong năm. Tất cả 4 tranh đều có hìnhh ảnh các con vật được cường điệu lớn hơn so với tỉ lệ, và những đứa bé cho thấy một hình tượng của sự hòa nhập giữa con người với thiên nhiên. Trong các sách khác cùng tác giả, người viết đã chứng minh với bạn đọc: Đồ hình Hà đồ chính là sự phản ánh mối tương tác và vận động của vũ trụ đối với sự tồn tại và phát triển đời sống trên trái đất, trong đó có con người. Tranh “Bé ôm cóc” – ngoài hình tượng “cóc” chính là thầy của chú bé (vì chỉ có “cóc” mới có chữ để dạy cho đời) – thì “cóc” chính là tượng của quái Chấn. Trong kinh nghiệm dân gian Việt Nam đều biết rằng khi cóc nghiến răng thì trời mưa; mưa thì có sấm. Quái Chấn – trong Thuyết quái – tượng cho “sấm”; quái Chấn thuộc phương Đông. Nên bức tranh này nằm ở phía Đông của Hà đồ. Tranh “Bé ôm vịt”: Vịt là con vật ở dưới nước, nên bức tranh này nằm ở phía Bắc của Hà đồ. Phương Bắc thuộc quái Khảm – thủy. Tranh “Bé ôm gà”, gà gáy thì mặt trời mọc. Nên bức tranh này nằm ở phía Nam của Hà đồ. Phương Nam thuộc quái Li; thuyết Quái viết: “Li vi Nhật, vi Hỏa..”. Tranh “Bé ôm rùa” còn lại ở phương Tây của Hà đồ. Con rùa là hình tượng của văn bản, nơi qui tập tàng trữ tri thức của con người, thuộc về phương Tây, mùa thu.

Như vậy, từ bức tranh Ngũ Hổ hướng dẫn giải mã sự bí ẩn của Hà đồ, cho đến những bức tranh dân dã còn lại của nền văn minh Lạc Việt, lại là sự thể hiện tiếp tục của nền minh triết Đông phương cổ; đã cho chúng ta nhận thấy rằng: Chính nền văn minh Lạc Việt là nơi cội nguồn của nền văn minh Đông phương. Cho nên tất cả những sản phẩm văn hóa của nền văn minh Lạc Việt: từ những sản phẩm cao cấp nhất (thể hiện tín ngưỡng như tranh thờ Ngũ hổ), cho đến những bức tranh dân dã cho trẻ em Lạc Việt lưu truyền trong dân gian (bộ tranh “Tứ quý”), đều thể hiện những giá trị của nền văn minh này.

Trong tranh “Lễ trí”, qua hình tượng con rùa – phương tiện chuyển tải tri thức dưới thời Hùng Vương vào thời kỳ đầu lập quốc – chính là biểu tượng của sách học. Phải chăng, ý tưởng “Tiên học lễ” bắt đầu từ nền văn minh Lạc Việt? Trong tranh “Nhân nghĩa”, hình tượng con cóc chính là biểu tượng của người thày của chú bé (“Thầy đồ Cóc”, vì chỉ có Cóc mới có chữ Khoa đẩu – nòng nọc – để dạy cho đời).Nhân nghĩa chính là hai đức tính đầu tiên trong đạo lý cổ Đông phương. Phải chăng những ý niệm về “Tôn sư trọng đạo”, “Tiên học lễ, hậu học văn” của Nho giáo, chính là những ý tưởng đã có từ lâu trong thời Hùng Vương? Bởi vì hình tượng con Cóc và con Rùa bắt đầu và thuộc về nền văn minh Văn Lang.

-------------------------------------------------
(Chú thích: Bài này được tóm tắt từ bài “Bộ Tứ quý" trong sách “Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam”, tác giả: Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Nxb. VHTT, HN, 2002.)
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến