Thứ ba, 18/01/2011 - 11:41

Tranh: Lưỡng nghi sinh tứ tượng

Theo như sách “Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam”, tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh giới thiệu đây là tranh Hàng Trống và có phân tích rất sâu về bức tranh này.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ở làng Đông Hồ thì thấy ở đây cũng có in bức tranh này. Mặc dù tranh trong sách của Nguyễn Vũ Tuấn Anh viết chữ Hán, còn tranh ở nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế viết bằng chữ Quốc ngữ và có thêm chữ “vĩnh lợi hiệu”, nhưng về cơ bản hai bức tranh này giống nhau.

LƯỠNG NGHI SINH TỨ TƯỢNG
Bên trái: tranh Hàng Trống – trong sách “Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam”, tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Bên phải: tranh ở nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế

Ở đây, chúng tôi cho rằng hai tranh này là hai tranh riêng của hai nơi – giống như hiện tượng tranh Ngũ hổ, Tố nữ cả hai nơi cùng có. Về tranh Lưỡng nghi sinh tứ tượng cả làng Đông Hồ, giả thuyết của chúng tôi là trước kia trên tranh cũng là chữ Hán, sau này do bản khắc bị đục/hay bị hỏng phần chữ Hán nên khắc chữ quốc ngữ vào thay thế.

Sau đây là bài viết về tranh Lưỡng nghi sinh tứ tượng Hàng Trống của Nguyễn Vũ Tuấn Anh:

Bức tranh này tự nó đã khẳng định nội dung triết học về sự khởi nguyên của vũ trụ qua ngay hàng chữ được ghi trên bức tranh. Nhưng có vẻ như nó chỉ nhằm nói lại một câu trong Hệ từ của kinh Dịch: “Thị cố Dịch hữu Thái Cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”. Thực ra bức tranh này mang một nội dung minh triết sâu sắc. Đây chính là bức tranh minh họa và lí giải ý nghĩa đích thực nội dung của câu trên trong Hệ từ, khác hẳn sự lí giải của các nhà lí học Đông phương từ thời Hán đến nay. Trải hàng ngàn năm qua – kể từ đời Hán – các nhà lí học phương Đông đã có rất nhiều cố gắng lí giải ý nghĩa của câu “Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái”. Có người cho rằng: Thái cực là Thái nhất, là thái Hư. Có người cho rằng: Thái cực có nguồn gốc từ Vô cực, Thái cực động sinh Dương, Dương tịnh sinh Âm, Âm Dương sinh ra Ngũ hành (Chu Hi – Dịch học khởi mông). Có người cho rằng: Tứ tượng tức là Thái Âm, Thái Dương, thiếu Âm, thiếu Dương… Nhưng tất cả các cách giải thích của họ đều mơ hồ và mâu thuẫn. Khiến cho đến nay nền văn hóa cổ Đông phương vẫn là một sự huyền bí, khó hiểu ngay từ nguyên lí khởi nguyên của nó (1).

Trên cơ sở sự nhận định sai lầm về bản chất của sự khởi nguyên của vũ trụ được ghi nhận trong Hệ từ, những nhà nghiên cứu Hán Nho đã đưa ra những biểu tượng cho sự vận động khởi nguyên của vũ trụ: Thái cực – Âm Dương – Tứ tượng và Bát quái như sau:
02
Hình Thái Cực xưa nhất của Lai Trí Đức
03
Hình Thái Cực của Chu Đôn Di
04
Hình Thái Cực hiện đại

Qua đồ hình của Lai Trí Đức và Chu Đôn Di chúng ta thấy rõ nét sự phân biệt giữa Thái cực (biểu tượng bằng vòng tròn ở giữa) và Âm Dương (các phần đen trắng xung quanh). Đây là một sai lầm, vì Âm Dương lúc này là một vế của chính nó. Hay diễn tả một cách cụ thể hơn, nếu chúng ta lấy vòng tròn thể hiện Thái cực của hai đồ hình này và so với một trong hai phần Âm hoặc Dương thì tự chúng sẽ là Âm Dương, phần còn lại sẽ không biết gọi là gì.

Trong biểu tượng Âm Dương hiện nay tuy có thay đổi và mang tính minh triết hơn: Không diễn tả Thái cực như một thực tế tồn tại ngoài Âm Dương, thay vào đấy là một vòng tròn bao quanh Âm Dương. Nhưng ở đồ hình này thuần túy chỉ là một biểu tượng; không hề có một cơ sở lí luận hợp lí chứng tỏ ý nghĩa của nó – cho đến tận ngày hôm nay, khi bạn đang đọc cuốn sách này. Sai lầm của biểu tượng này – là sự thể hiện tiếp tục nhận thức sai lầm trải hàng ngàn năm trước đó trong cổ thư chữ Hán – là có thêm hai vòng tròn nhỏ biểu tượng của thiếu Âm, thiếu Dương. Như vậy, giữa Thái Âm với thiếu Dương (hoặc Thái Dương với thiếu Âm) tự nó đã có sự phân biệt; tức là đã trở thành Âm Dương. Hay nói một cách khác: Sự nhận thức về tứ tượng trong cổ thư chữ Hán được coi là một trạng trái tồn tại trong sự chuyển hóa từ Âm Dương đến Bát quái. Đây là sự vô lí.

Ngược lại với những nhận thức của tất cả các nhà lí học Hán nho từ trước đến tận ngày hôm nay; bức tranh dân gian Việt Nam “Lưỡng nghi sinh tứ tượng” mang một nội dung khác hẳn về sự nhận thức sự hình thành vũ trụ trong câu trong Hệ từ của kinh Dịch: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”

Chúng ta bắt đầu từ ba hình tượng chính của bức tranh này là:
1) Đồ hình Thái cực, Âm Dương và Bát quái (do một chú bé cầm trên tay).
2) Hai chú bé với bốn thân hình gắn kết với nhau: biểu tượng của “tứ tượng”.
3) Hình con rùa (một chú bé đứng trên lưng). Những hình tượng trong bức tranh dân dã Lạc Việt này, lại là một sự lí giải rất hợp lí về ý nghĩa của vũ trụ quan cổ Đông phương thể hiện trong Hệ từ của kinh Dịch với mọi hiện tượng liên quan đến nó.

Trước hết là đồ hình hình “Thái cực sinh lưỡng nghi” của bức tranh này. Xin bạn đọc xem hình dưới đây:
06
Hình Thái Cực trong tranh dân gian Việt Nam
07
Hình Thái Cực phục chế từ tranh dân gian Việt Nam

Đây là biểu tượng của Thái cực sinh Lưỡng nghi. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự giải mã câu “Mẹ tròn con vuông” trong tục ngữ Việt Nam (Trước đây vốn được sử dụng như là một thành ngữ). Mẹ tròn – cái có trước – biểu tượng của Thái cực, của sự chí tịnh, sinh con vuông – cái có sau – thuộc Âm động. Khi Âm sinh thì mới có sự phân biệt Âm Dương; còn bản thể khởi nguyên của vũ trụ chỉ là Thái cực. Đồ hình này về hình thức giống đồ hình Thái cực hiện đại, nhưng khác hẳn ở chỗ không có biểu tượng tứ tượng trong đồ hình này. Và một điều căn bản nữa là biểu tượng trong tranh dân gian Việt Nam có một cơ sở lí luận hợp lí chứng minh cho nội dung của nó. Đó chính là câu tục ngữ Việt Nam: “Mẹ tròn con vuông”.

Biểu tượng của “Tứ tượng” trong tranh dân gian Việt Nam, khác hẳn ý niệm này trong các cổ thư chữ Hán là nó được thể hiện tách rời đồ hình Thái cực – Âm Dương và Bát quái. Điều này chứng tỏ trong nhận thức vũ trụ theo thuyết Âm Dương Ngũ hành của người Lạc Việt đã coi “Tứ tượng” là một chủ thể tương tác trong quá trình vận động của Âm Dương và Bát quái và không phải Âm Dương và Bát quái.

Hai chú bé này có 4 thân hình biểu tượng của “Tứ tượng”. Bốn thân hình của đứa bé kết thành hình vuông là biểu tượng của Âm. Có nghĩa “Tứ tượng” là thuộc tính của Âm, tức là thuộc tính của sự vận động. Trong “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch” (Nxb. VHTT, 2002) người viết đã chứng tỏ với bạn đọc là: Dương tịnh, Âm động và tứ tượng chính là 4 trạng thái tương tác có ngay từ sự khởi nguyên của vũ trụ theo quan niệm của thuyết Âm Dương Ngũ hành, gồm tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ. Vì sự vận động và trạng thái tương tác không ngừng nghỉ, nên không thể có trạng thái phân biệt rõ rệt. Như không thể phân biệt giữa “chiều tím”“hoàng hôn”. Điều này được thể hiện bằng 4 thân hình gắn kết với nhau trong bức tranh trên. Nhưng Âm Dương về nguyên tắc vẫn là trạng thái phân biệt, như ban ngày với ban đêm. Do đó, hình ảnh hai đứa bé (sự phân biệt) cho thấy Âm Dương chi phối “Tứ tượng”.

Bức tranh trên còn một hình tượng quan trọng, đó là con rùa. Con rùa là biểu tượng một nền văn minh có chữ viết của người Lạc Việt. Bản văn cổ chữ Hán ghi nhận “Vào đời Đào Nghiêu, có sứ Việt Thường dâng con rùa lớn, trên mai có văn Khoa Đẩu, ghi việc trời đất mở mang” (sách Thông Chí của Trịnh Tiều). Như vậy, con rùa chính là phương tiện ghi nhận nền văn minh có chữ viết của người Lạc Việt từ thời cổ xưa khi chưa làm ra giấy. Thái Cực, Lưỡng nghi, tứ tượng chính là giai đoạn vận động đầu tiên của vũ trụ; hay nói một các khác: Chính là việc “trời đất mở mang”. Chú bé “Tứ tượng” dẫm trên mai con rùa là hình tượng sắc sảo chứng tỏ nó thuộc về văn minh Lạc Việt và đã được ghi nhận từ thời tối cổ; khi mà tổ tiên người Lạc Việt dùng mai rùa để ghi lại những tri thức của mình. Đây cũng là một biểu tượng có nội dung sâu sắc của bức tranh này. Như vậy, với những hình tượng trong bức tranh trên thể hiện một nội dung về sự khởi nguyên của vũ trụ qua câu trong Hệ từ: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng”, khác hẳn tất cả những quan niệm trải hàng ngàn năm nay về câu này trong các bản văn chữ Hán. Bức tranh tư liệu trình bày trong sách này có thể chỉ được thực hiện khoảng vài chục năm trở lại đây. Nhưng qua nội dung của nó thì hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng: nó đã có từ thời rất xa xưa, trước cả những bản văn chữ Hán cổ nhất nói về kinh Dịch. Bởi vì ngay từ những bản văn chữ Hán cổ nhất cho đến ngày nay, cũng không hề diễn đạt một ý niệm về tứ tượng như hình tượng đã diễn đạt trong bức tranh dẫn gian Việt Nam. Về sự hiện diện của những chữ Hán trên bức tranh, có thể dẫn tới một ý niệm cho rằng nó là sản phẩm của văn minh Hán. Nhưng chính nội dung bức tranh – qua biểu tượng rất cụ thể của nó được diễn giải – lại cho thấy nó không thuộc về nền văn minh Hoa Hạ, nhưng đã bị Hán hóa về chữ viết. Điều này cũng chẳng có gì là lạ, vì dù cho người Việt đã có chữ viết trước khi bị đô hộ, thì nó vẫn bị thay đổi do nhu cầu tất yếu và cần thiết là sự thống nhất chữ viết trong một đế chế. Sự đô hộ của đế chế Hán đã trải hơn 1000 năm. Đây không phải là thời gian để nói trong một giây. Điều này cũng giải thích rằng: mặc dù bức tranh có nội dung rất cổ như đã trình bày ở trên; nhưng những chữ Hán lại là loại chữ thảo thuộc về thời cận đại hoặc trung cổ.

Bức tranh dân gian Hàng Trống “Lưỡng nghi sinh tứ tượng” thể hiện một cách cô đọng và hợp lí ý nghĩa của “Thái cực sinh Lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng”. Tính minh triết trong bức tranh dân gian này đã góp phần chứng tỏ một cách sắc sảo về cội nguồn của nền văn hóa Đông phương thuộc về văn minh Lạc Việt, khởi nguồn của đất nước Việt Nam trải gần 5000 năm văn hiến.

TỨ HỈ HỢP CỤC
Tranh cát tường Trung Hoa

Chú thích trên tranh: Bốn chữ Hỉ hợp lại với nhau. Bốn điều mừng vui cùng kéo đến, thường là chúc mừng sinh nhật con trẻ; mong có cuộc sống nhiều may mắn, mừng vui...

PHỤ BẢN

Bức tranh trên được trích dẫn từ cuốn “Tranh vẽ cát tường Trung Hoa”, Kiều Liên biên soạn và giới thiệu, Nxb VHTT, 2002. Bạn đọc cũng nhận thấy bố cục hai đứa bé trong tranh này giống hệt tranh “Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng” của Việt Nam. Nếu có khác thì chỉ là vài chi tiết. Tính đặc thù của hình tượng hai đứa bé trong hai tranh, cho thấy đây không thể coi là sự trùng hợp ngẫu nhiên về ý tưởng diễn đạt. Với nội dung của bức tranh Trung Quốc, không thể và không cần phải diễn đạt bằng hình tượng rất kiêng cữ trong văn minh Đông phương này (hai chú bé thân hình dính nhau). Điều này chỉ có thể giải thích rằng chúng có chung một cội nguồn văn hóa và xuất xứ duy nhất. Không thể cho rằng bức tranh dân gian Việt Nam là ảnh hưởng văn hóa Hán, vì nội dung của nó diễn đạt khác hẳn tất cả bản văn chữ Hán nói về thuyết Âm Dương Ngũ hành. Như vậy, chỉ có thể giải thích rằng: Bức tranh “Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng” đã lưu truyền từ rất lâu trong cộng đồng Bách Việt và qua hơn 1000 năm Bắc thuộc ở Nam sông Dương Tử. Khi nước Việt hưng quốc (thế kỷ thứ X sau CN), những di sản của người Việt ở Nam sông Dương Tử tiếp tục bị Hán hóa. Với cách hiểu sai lệch về thuyết Âm Dương Ngũ hành, nhưng được coi là ý tưởng chính thống của các nhà lý học Hán nho - đặc biệt phát triển từ thời Tống (thế kỷ X, XI) - đã khiến bức tranh mất đi nội dung ban đầu của nó và chỉ còn là một hình tượng minh họa cho điềm lành: “Tứ hỉ hợp cục”.

Nguyễn Vũ Tuấn Anh
“Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam”, Nxb. VHTT, HN, 2002

-------------------

Chú thích:

(1) Xin xem Nguyễn Vũ Tuấn Anh, “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại”, Nxb. Văn hóa Thông tin, HN, 2002.
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến