Thứ ba, 18/01/2011 - 11:41

Tranh: Bà Triệu

Đây là một bức tranh lịch sử được khẳng định ngay từ tên gọi, lưu truyền trong dân gian và hình tượng trên tranh.

Tuy trên tranh không có lời chú như tranh Hai Bà, nhưng thể hiện Bà Triệu theo như truyền thuyết về hình tướng và tính cách của bà là ngực lớn, khí phách hiên ngang. Hình tượng Bà Triệu trên tranh có tư thế thoải mái, như đang múa một đường quyền trên lưng voi. Con voi về tư thế như đang chồm lên, nhưng sắc thái thì lại như bị phục tùng. Phải chăng, bức tranh này muốn miêu tả hình ảnh Bà Triệu đang thuần phục voi dữ. Đây là giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa của Bà.

Về phong cách thể hiện bức tranh này, có nét tương đồng và gần giống với tranh Hai Bà Trưng. Nhưng trong tranh Bà Triệu có tính ước lệ hơn so với tranh Hai Bà, thể hiện ở tư thế ngồi của bà Triệu trên lưng voi. Về hình tượng con voi của Bà Triệu có nét giống như voi của Hai Bà, nhưng phong cách uyển chuyển và điêu luyện hơn. Bành voi của Bà Triệu tuy trang trí cầu kỳ chứng tỏ một đẳng cấp cao trong xã hội, nhưng lại không có cờ và lọng là những biểu tượng của địa vị và quyền lực như trong tranh Hai Bà. Mặc dù trong cả hai tranh đều chứng tỏ một trình độ bậc thầy về tạo dựng hình tượng; nhưng sự thể hiện tính trừu tượng trong tranh Hai Bà hết sức cao cấp, đến mức đáng kinh ngạc (qua hình tượng gợi cho người xem phải tưởng tượng một tình huống bên ngoài hình tượng). Còn trong tranh Bà Triệu, tính trừu tượng thấp hơn mặc dù đã đạt trình độ bậc thầy khi diễn tả tính cách đầy khí phách của Bà. Điều này cho thấy hai bức tranh này được diễn tả ở hai thời kỳ cách nhau khá xa và tất nhiên không thể cùng tác giả.

Nguyễn Vũ Tuấn Anh
(Trích trong sách: “Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam”, Nxb VHTT, HN, 2002)
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến