Thứ ba, 18/01/2011 - 11:41

Cặp tranh chăn trâu

Cặp tranh này gồm hai bức: Chăn Trâu thổi sáo và chăn Trâu thả diều

Tranh: Chăn trâu thổi sáo
(Tranh nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam)
Tranh Chăn trâu thổi sáo

Một tàu lá sen dựng đứng như chiếc ô - ý tưởng thật thú vị. Con trâu nghển cổ thưởng thức tiếng sáo, tư thế, dáng vẻ của nó khiến ta cũng nghe thấy tiếng sáo réo rắt, thấy bầu trời trong xanh lồng lộng, thấy cuộc sống thanh bình... Khi xem bức tranh này, người thưởng thức có thể thấy được sự khoáng đạt, thanh thoát của tâm hồn.

Tranh Chăn trâu thổi sáo được khắc gỗ
ở nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam
Tranh có chữ: "Hà diệp cái thanh thanh" (Lọng lá sen xanh xanh). trong dân gian còn lưu truyền một tựa khác cho bức tranh  này là: ‘Thiên thanh lộng suy địch”, có thể hiểu là: “trời xanh trong tiếng sáo”. Bức tranh miêu tả hình ảnh một chú bé ngồi đè lên những bông sen trên lưng trâu, đang say sưa thả hồn theo tiếng sáo. Con trâu (không hề có sự ràng buộc của dây chằng) ngóc đầu lên như muốn đồng cảm với con người. Trên đầu chú bé là một chiếc lá sen được cường điệu lớn hơn bình thường (so với tương quan tỷ lệ thực) nhưng vẫn rất hài hòa cân đối. Trong bức tranh này, chúng ta cũng có thể tìm thấy những ý tưởng trí tuệ và nhân bản. Sự an bình của cuộc sống toát ra từ hình tượng của bức tranh, chính là tính nhân bản của bức tranh này. Bạn đọc có thể tìm thấy trong bức tranh này một nội dung mang tính minh triết của Phật giáo: tính phá chấp (ngồi đè lên bông sen), sự chế ngự bản ngã (cưỡi trâu) và sự hoà nhập chân tính của con người với thiên nhiên. Nhưng từ một góc độ khác, Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” không xuất phát từ ý tưởng Phật giáo, mà mang một giá trị minh triết từ nền văn minh Lạc Việt. Hình tượng chiếc lá sen che trên đầu chú bé giống hình tượng của cây nêu: biểu tượng của Thái cực. Đó là sự vươn lên dẫn tới hoà nhập hoàn toàn với thiên nhiên; tức là đạt tới bản thể của Tạo hoá. Lời chú thích lưu truyền trong dân gian của bức tranh minh hoạ cho ý tưởng này: “Thiên thanh lộng suy địch”; tức là “Trời xanh trong tiếng sáo”. Khi tâm hồn con người thanh thản, vô tư như trẻ nhỏ buông trong tiếng sáo thì bao trùm cả trời xanh, hòa nhập trong vũ trụ. Hình tượng thoát tục của bức tranh này gần gũi với nhân sinh quan Đạo giáo. Nhưng phải chăng tính minh triết Phật học có sự gần gũi với tính minh triết trong xã hội Lạc Việt cổ, nên có thể có sự giải thích riêng cho cùng một hình tượng nghệ thuật?

Tranh: Chăn trâu thả diều
(Tranh nàh nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam)
Tranh Cưỡi trâu thả diều có chữ "Vũ thu phong nhất tượng" (Một hình ảnh gió thu múa). Một cậu bé nằm ngửa trên lưng trâu thả diều... thật thú vị. Một câu phương ngôn về trẻ chăn trâu: "Đầu đội nón mé như lộng che - Tay cầm cành tre như roi ngựa". Thực tế khó có thể nằm trên lưng trâu mà dong cánh diều bằng nón mê như vậy? Thế mà ngắm tranh ta vẫn thấy khoái! Tính minh triết trong bức tranh này lại là sự bổ sung cho bức tranh “Chăn trâu thổi sáo”. Chiếc nón vốn đội trên đầu chú bé mục đồng lại bay bổng lên cao như sự vươn lên của trí tuệ.

Bức tranh này còn có hai dị bản khác, một bức có chữ "Vũ thu phong nhất dực" (gió thu múa, một cánh), bức kia có chữ "Nhất tương phúc lộc điền" (một hình tượng cho sự hạnh phúc ở trần gian) - cũng thú vị không kém. Chính hình tượng chiếc nón bay bổng trên không gian là sự thể hiện nội dung mà bức tranh này muốn nói tới: Một trong những hạnh phúc của trần gian chính là sự chế ngự được bản ngã và vươn tới đỉnh cao của trí tuệ.
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến