Có về láng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh"" /> Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam
Thứ hai, 12/04/2010 - 15:14

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam

"Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về láng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh"

Vượt qua chặng đường dài 30km, chúng tôi về thôn Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, nơi có bề dầy trên 400 năm làm tranh dân gian Đông Hồ. Trải qua thời gian, cũng như nhiều nghề thủ công truyền thống khác, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã và đang dần bị mai một. Tuy nhiên ở Đông Hồ vẫn còn nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, tuy đã ngoài 70 nhưng ông vẫn cần mẫn, say mê hướng dẫn nghề làm tranh cho lớp trẻ, đặc biệt ở gia đình ông hiện còn lưu giữ và bảo quản trên 100 bản khắc tranh cổ nguyên gốc hết sức có giá trị về lịch sử và văn hóa.

Trong căn nhà cổ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, hình ảnh những bức tranh: "Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô", các bộ tranh màu tứ quý, tứ bình, tranh màu "Bé ôm gà", "Cá trông trăng", tranh khắc gỗ về phong cảnh cùng với  hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với lượng khách quốc tế đến xem sản phẩm tranh Đông Hồ của gia đình ông đã thực sự tạo ấn tượng cho tôi và anh bạn đồng nghiệp.

Rót ly trà nóng, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam giới thiệu cho chúng tôi một số bản khắc tranh cổ của gia đình hiện còn được lưu giữ cho đến nay. Từ các bản khắc đơn đến bộ "Thạch Sanh", "Tống Trân - Cúc Hoa", "Tùng - cúc - trúc - mai", "Kiều" cho đến “Cá chép trông trăng", "Đàn lợn", "Gà mẹ gà con", "Em bé ôm cá", "Lão nông"... kích thước trung bình từ 26 x 37cm cho đến 90 x 140 cm. Các bản khắc tuy đã cũ, mòn theo thời gian, nhưng trông vẫn rất rõ, với những đường nét hết sức uyển chuyển, sống động. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cho biết: "Tất cả các bản khắc này đều được làm bằng gỗ thị, thường trong các chùa, gỗ thị dùng để khắc kinh Phật, gỗ thị bền, dai, không bị mối mọt. Khi khắc chữ, hay tạo hình, đường nét trong bản khắc không bị sứt. Cho đến nay các bản khắc này đã được vài trăm năm, in rất nhiều tranh nhưng vẫn không bị hỏng".

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cho biết, trước đây, tranh dân gian Đông Hồ có 4 loại: tranh truyền thống vẽ bằng tay, tranh vừa in vừa vẽ, tranh in bằng ván khắc gỗ, tranh khắc gỗ, thông dụng và phổ biến nhất là tranh đen trắng và tranh màu được in bằng bản khắc gỗ. Ông khẳng định: "Bản khắc để in tranh hết sức quan trọng, in đen trắng thì đơn giản, còn in tranh màu phải tạo màu, sửa nét, tạo hồn cho tranh, tạo nên giá trị của tranh. Sử dụng bản khắc đòi hỏi về trình độ, kỹ thuật của người in tranh, người làm phải có tình yêu và sự sáng tạo".

Các cụ trong dòng họ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, đã tạo nên nhiều bản khắc gỗ nổi tiếng, từ những tác phẩm phản ánh nét sinh hoạt đời thường: Lợn, gà, cá, hoa, cá trông trăng, thầy đồ cóc, mục đồng thổi sáo đến những tác phẩm phê phán thói hư tật xấu trong xã hội: Đám cưới chuột, Trèo dừa đánh ghen. Hay bức Bộ tứ quý, tứ bình, Tống trân cúc hoa... Đến đời của ông, những bản khắc này do được sử dụng nhiều để in tranh nhất là các bản in tranh màu đã bị mòn, nét không còn sắc như trước, dựa trên các mẫu bản khắc cổ, nghệ nhân Sam đã làm thêm các phiên bản mới, đồng thời sáng tạo thêm những bản khắc mới từ bản khắc đơn đến bản khắc bộ về đề tài lịch sử, các tích cổ về thiên nhiên, phong cảnh, các con vật vv... Chính từ mẫu của những bản khắc truyền thống và những mẫu bản khắc mới ra đời, từ năm 1962 đã giúp cho sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ của Hợp tác xã Nông nghiệp Song Hồ có sự tham gia của  trên 50 xã viên trong đó gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng với nhiều gia đình khác được phát triển, giới thiệu không chỉ ở các phiên chợ Tết, chợ quê ở Bắc Ninh, ở các tỉnh miền Bắc mà còn được Ty văn hóa Hà Bắc đặt hàng xuất khẩu. Sau năm 1990, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ không được chú trọng, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, phần lớn các gia đình bỏ nghề chuyển sang làm đồ hàng mã "Ở làng, nhiều gia đình đã dùng bản khắc cổ in tranh đã mòn để làm cửa, làm ván xe cải tiến, thậm chí vứt bỏ lung tung mặc cho nắng mưa dãi dầu, nhìn thấy mà xót", Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam bộc bạch. Với lòng yêu nghề, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã cùng với các con ngoài việc lưu giữ những bản khắc cổ của gia đình ông còn đến những gia đình khác thu gom những bản khắc còn sót lại.

Dù nhiều gia đình đã bỏ nghề, nhưng gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn quyết định đầu tư phát triển nghề làm tranh, tiếp tục in các mẫu tranh theo đề tài tranh dân gian truyền thống và các mẫu mới phù hợp với nhu cầu của thị trường như: lịch tranh, các ấn phẩm lưu niệm bằng chất liệu giấy dó, theo các đề tài khác nhau. Ở gia đình ông còn bán các mẫu khắc phiên bản để du khách có thể mua về tự làm tranh. Chính điều này đã góp phần để Bắc Ninh có thêm điểm du lịch về vùng văn hóa kinh Bắc và hiểu thêm về một nghề truyền thống. Với những đóng góp trong việc bảo tồn, giới thiệu về nghề thủ công truyền thống, đến nay nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Văn hóa Thông tin TP HCM trao tặng bằng khen, ông còn được công nhận là Hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Trong số các du khách trong và ngoài nước đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm đồ cổ biết tiếng, tìm đến hỏi mua những bản khắc tranh cổ, dù họ trả giá rất cao, như nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn không bán. Với ông, đây là tinh hoa văn hóa, là hồn để tạo nên những tác phẩm tranh dân gian Đông Hồ truyền thống, mỗi bản khắc đều có giá trị và ý nghĩa khác nhau, bán đi sẽ mất tất cả. “Bằng mọi giá tôi sẽ giữ lại, để sau này cho con cháu sẽ tiếp tục nghề của tôi và cha ông đã tạo dựng nên".

Trải qua thời gian, do sử dụng làm tranh nhiều lần, đến nay phần lớn các bản khắc cổ ở gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã cũ, mòn. Các bản khắc cổ được bọc, bảo quản để trong túi nilon, một số để ngoài, xếp chồng lên nhau, đặt trên giá gỗ, vì quá nặng đã bị võng xuống. Xung quanh nền nhà để các phiên bản khắc tranh mới. Việc bảo quản các bản khắc cổ này chưa thực sự hợp lý, nhưng hiện tại do diện tích nhà còn chật, chưa có điều kiện xây thêm, nên gia đình nghệ nhân Sam tạm thời phải để lẫn lộn như vậy. Các ngành chức năng đã nhiều lần đến, nhưng mới chỉ quan tâm bằng hình thức động viên. Cần có một cơ quan thực sự đầu tư kinh phí để bảo tồn nghề này, một nghề thủ công truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm trong lịch sử, cũng như sưu tầm, giới thiệu về các bản khắc tranh cổ của làng tranh Đông Hồ.


Mạnh Hà (Báo Du lịch)
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến