Thứ hai, 01/02/2010 - 13:47

Người lưu giữ 400 bản khắc tranh Đông Hồ

Dù chúng tôi có nằn nì thế nào, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cũng dứt khoát không mở chiếc tủ kính đựng những bản khắc gỗ. Ông bảo những bản khắc này là của gia bảo đối với ông. “Chính tôi cũng chỉ ngắm chứ ít khi đụng vào”, ông Chế nói.


Theo ông Chế, bộ tranh Thạch Sanh trăm tuổi này khó có thể khôi phục

Năm nay đã 72 tuổi, ông Chế là nghệ nhân đời thứ 22 của dòng họ Nguyễn Đăng ở làng Đông Hồ làm tranh. Trước năm 1945, tại làng Hồ của Bắc Ninh có khoảng 150 gia đình làm tranh và gia đình Nguyễn Đăng là một. Nhưng hiện nay, ông Nguyễn Đăng Chế là một trong hai nghệ nhân sót lại của nghề này tại làng tranh dân gian nổi tiếng.

Năm 1990, sau 30 năm giảng dạy tại đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông Chế trở về làng Hồ định an hưởng tuổi già. Nhưng thực trạng làng nghề có từ thế kỷ 16 khiến ông sững sờ. Vì miếng cơm manh áo, dân làng Đông Hồ quay sang làm vàng mã, bỏ nghề tranh. Sau mấy đêm mất ngủ, ông Chế họp con cái lại và quyết định khôi phục nghề truyền thống. Việc làm đầu tiên của ông là tìm lại những bản khắc tranh mà gia đình nhiều đời nay vẫn sử dụng. “Bản khắc gỗ là cái cốt, phần hồn quan trọng của một bức tranh Đông Hồ. Bởi tranh làng này không vẽ bằng bút hay cọ mà được làm ra bằng kỹ thuật bồi, in”. Người nghệ nhân già vô cùng sung sướng khi tập hợp được hơn 100 bản khắc truyền đời của gia đình nhưng ông biết vẫn chưa đủ…

 

 

Ông Chế giới thiệu tranh và những bản khắc mới cho một nhóm sinh viên

Người làng Đông Hồ hàng năm làm tranh để tập trung bán vào năm phiên chợ gói trong tháng chạp. Tranh làm xong, các bà các chị gánh ra chợ tranh chính là đình làng để bán. Hết mấy phiên chợ, có thể đưa tranh đi nơi khác bán, cũng có thể cất đi đợi phiên chợ năm sau. Riêng bản khắc làm bằng gỗ thị được gác lên gác bếp, vì thế những bản khắc cổ thường ám khói và không bị mối mọt.

Nhiều năm trời, ông Chế lang thang từng gia đình trong làng để xin, thậm chí là mua lại những bản khắc quý giá bị bỏ quên trên gác bếp hay vứt dưới gầm giường, xó nhà. “Đi sưu tầm tôi càng thấy đau xót khi chính người dân ở đây không thấy được những gì cha ông để lại cho mình. Nhưng càng buồn tôi càng quyết tâm tìm và lưu giữ được càng nhiều càng tốt trước khi những bản khắc này bị đem nhóm lò!”

Đến nay, ông Chế đã tìm lại và lưu giữ 400 bản khắc của 200 tác phẩm cả tranh đơn và tranh bộ, trong đó có những tác phẩm đã quen thuộc như Đàn lợn, Đám cưới chuột, Đấu vật, Đánh ghen...

 

 

Những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ cổ đang được nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế lưu giữ

Từ những bản khắc cổ, cha con ông Chế đang thực hiện bước thứ hai của công việc bảo tồn, đó là tạo nên những bản khắc mới để làm tranh, nhưng “không phải ai cũng làm được bản khắc tranh, anh vừa phải có tư duy nghệ thuật vừa phải có tay nghề về mỹ thuật và kỹ thuật khắc”. Một bức tranh Đông Hồ thường được bồi bốn lượt màu tương đương bốn bản khắc khác nhau về chi tiết phân màu trong tranh. Nhưng để có một bản khắc hoàn hảo, còn phải bồi thử và điều chỉnh chi tiết đường nét khi lên màu. Chính vì thế, một bản khắc đơn giản nhất cũng mất khoảng một tuần mới có thể hoàn thiện, còn những bản khắc phức tạp có thể mất cả tháng.

Chỉ vào bộ tranh bốn bức chủ đề Thạch Sanh được mua lại của một gia đình ở Hà Nội với giá cao, ông Chế bảo mỗi lần nhìn bộ tranh quý này ông lại thấy hổ thẹn với tổ tiên: “Bản khắc này không kiếm đâu ra nữa, mà bộ tranh tôi mua lại chỉ còn ba bức là tương đối nguyên vẹn, còn một bức đã rách mất quá nửa, không thể khôi phục lại”. Treo bộ tranh này ở gần cửa ra vào, ông bảo là để con cháu luôn nhớ lấy cái trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn di sản của ông cha khi còn chưa quá muộn.

 

 

Dung P. ảnh Ngọc Linh

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến