Thứ hai, 01/02/2010 - 13:47

“Lão” giáo sư làm tranh Đông Hồ bằng cánh bướm

Xưa nay, người Việt Nam vẫn quen với những bức tranh Đông Hồ làm trên nền giấy điệp. Thế nhưng, một vị giáo sư hơn nửa cuộc đời gắn bó với các loại côn trùng đã thử nghiệm và tạo tác thành công những bức tranh Đông Hồ hết sức sinh động bằng cánh bướm.

Tác phẩm của ông được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao về tính nghệ thuật lẫn sự độc đáo. Đến nay, dù đã gần vào tuổi thất thập nhưng ông vẫn hăng say sáng tạo với mong muốn để lại cho cháu con một dòng tranh mang thương hiệu Việt Nam.
 
Cánh bướm hóa tranh
 

Tất cả các bức tranh của GS Hiển bức nào cũng được tạo tác một cách tỉ mỉ, cũng đầy sức sống chẳng thua kém gì những bức tranh Đông Hồ gốc.


Người họa sỹ đặc biệt này tiếp chúng tôi trong căn phòng chưa đầy 20m² trên tầng hai của... Trung tâm Phòng trừ mối với ngổn ngang khung hình, tranh ảnh, hồ sơ, dụng cụ thí nghiệm... GS.TS Bùi Công Hiển - Giám đốc Trung tâm ứng dụng côn trùng học, Đại học Khoa học tự nhiên, hồ hởi giới thiệu tỉ mỉ từng tác phẩm nghệ thuật do chính ông và người bạn chí cốt là kỹ sư Đặng Ngọc Anh (chuyên gia thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng) bao năm gầy dựng.

Năm 1992, ông được cử sang Thái Lan thực tập. Trong một lần đi trên đường phố ông tình cờ nhìn thấy những bức tranh hình người dân tộc Thái làm bằng cánh bướm. Bức tranh này được bày bán trong những hộp kính khá sang trọng với giá 20 USD/bức. Thấy bức tranh rất lạ mắt, lại đẹp mà cũng không khó làm nên khi về nước ông đã bắt tay vào thử nghiệm.

Khi mới bắt tay vào làm, ông cùng với kỹ sư Đặng Ngọc Anh đã phải đi rất nhiều vùng rừng, sưu tầm rất nhiều loại bướm khác nhau. Những con bướm còn nguyên hình dạng thì được xử lý để phục vụ nghiên cứu, còn những cánh bướm bị loại thì hai ông tập trung lại rồi bắt tay vào làm tranh. Tác phẩm đầu tiên mà GS Hiển tự tay làm là bức tranh về một cô gái Tây Nguyên. Bức tranh này giáo sư đã phải làm trong vòng một tuần lễ kể cả khâu xử lí cánh bướm lẫn tạo tác thành tác phẩm. Tuy tác phẩm được rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp khen ngợi nhưng ông vẫn thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Ông quyết định làm bức tranh thứ hai theo dòng tranh Đông Hồ truyền thống. Bức tranh này làm kỳ công hơn, mất nhiều thời gian hơn nhưng khi làm xong thì chứa đầy tính nghệ thuật.

“Trước đây, khi mới bắt tay vào làm, do làm thử nghiệm nên tôi chọn cô gái Tây Nguyên làm chủ đề để tạo tác. Tuy nhiên, khi làm xong nhìn vào tác phẩm tôi thấy nó không đạt được tính thẩm mỹ do màu cánh bướm toàn màu đậm, không thể diễn tả hết sắc thái hội họa hiện đại. Nhưng khi thử nghiệm theo dòng tranh Đông Hồ thì khác hẳn. Tranh Đông Hồ là thể loại tranh truyền thống, gần gũi với người dân Việt Nam và nó lại sử dụng những màu sắc dân tộc, rất tương thích các loại màu của cánh bướm do đó nó dễ làm, đạt được tính thẩm mỹ lẫn nghệ thuật nên tôi quyết định chọn tranh Đông Hồ để làm những tác phẩm tiếp theo” – GS Hiển cho biết.

Đến nay, trong tay ông ngoài 5.000 tiêu bản các loại côn trùng thì còn có tới hơn 20 tác phẩm tranh Đông Hồ được tạo tác từ cánh bướm. Số lượng tranh không nhiều do không phải làm liên tục mà phải trải qua cả một quá trình thử nghiệm, tìm tòi. Thêm vào đó, làm ra chủ yếu là để chơi, để trưng bày và nếu quý mến nhau thì tặng chứ không hề có ý kinh doanh nên không thể sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, mỗi bức tranh của GS Hiển là một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Những “Vinh hoa – Phú quý”, “Đám cưới chuột”, “Chăn trâu thổi sáo”, “Cá chép vọng nguyệt”... bức nào cũng được tạo tác một cách tỉ mỉ, thận trọng khiến cho hình hài trong tranh trở nên đầy sức sống chẳng thua kém gì những bức tranh Đông Hồ gốc.

Dòng tranh mang thương hiệu Việt Nam
 

“Đám cưới chuột” là một trong những tác phẩm độc đáo nhất trong số hơn 20 bức tranh Đông Hồ làm từ cánh bướm.


Giáo sư Hiển cho biết, để làm được một bức tranh Đông Hồ bằng cánh bướm người làm phải thực hiện rất nhiều thao tác. Tuy không khó nhưng nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và một lối tư duy nghệ thuật. Những con bướm có ngoại hình bắt mắt được lựa chọn và xử lý bằng các hoá chất bảo quản như: Cồn, ethylic... với nồng độ thích hợp, sau đó cho vào tủ sấy khô. Con nào nguyên vẹn thì giữ lại trưng bày, làm mẫu giảng dạy, con nào bị mất đầu, mất chân mới được dùng làm nguyên liệu ghép tranh. Để làm tranh, trước tiên ông sao lại khung hình của tranh vào một tờ giấy trắng mỏng, sau đó đính lên giấy bìa cứng. Tiếp theo ông tận dụng những cánh bướm tiêu bản đã qua xử lý không nguyên vẹn để ghép thành tranh.

Những cánh bướm vốn rất mỏng nhưng khi qua xử lý sẽ cứng hơn, tuy vậy nếu cắt không khéo vẫn có thể rách nát. Bởi thế, GS Hiển đã buộc phải chế tạo ra một loại keo dính đặc biệt làm từ một loại cây lá kim. Loại keo này có thể dính những cánh bướm một cách chắc chắn mà không bị nát, vừa không bị ướt. Khi ghép phải thật khéo léo để làm sao phấn trên cánh bướm không bị bay mất, có như thế bức tranh mới giữ được màu sắc tự nhiên. Sau khi hoàn thiện các khâu, tác phẩm sẽ được ép plastic để giữ cho bức tranh giữ được màu bền lâu và nhẹ nhàng, dễ cầm. Hiện nay, GS Hiển và kỹ sư Đặng Ngọc Anh đang có ý định làm bộ sưu tập tranh về trang phục 54 dân tộc Việt Nam từ những cánh bướm.

Theo GS Bùi Công Hiển, Việt Nam là một nước khí hậu nhiệt đới cho nên ở những vùng rừng nguyên sinh tồn tại rất nhiều loại bướm. Cả nước có hơn 1.000 loài, nếu không tận dụng được nguồn tài nguyên này thì sẽ rất phí. Ở Thái Lan, một bức tranh làm từ cánh bướm có giá khoảng 20 USD; móc đeo chìa khoá, chặn giấy của Trung Quốc được làm từ côn trùng bán khá chạy ngay tại thị trường các nước phương Tây, hay như ở Malaysia, họ xây dựng hẳn một khu du lịch sinh thái về loài bướm, mỗi lần khách vào thăm quan là thu 2 USD/ người... Vậy thì Việt Nam không hà cớ gì phải bỏ qua những thuận lợi đã có sẵn?

Tại những vùng nông thôn, miền núi, người dân có thể bắt bướm trong vườn rau, vườn rừng về xử lí sau đó tự làm thành sản phẩm để kinh doanh. Đây là một sản phẩm có thể kinh doanh được bởi nó độc đáo mà rất nhiều khách du lịch phương Tây ưa thích. “Nếu ai có nhu cầu muốn học nghề này tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ. Đây là một việc không khó, nó chỉ phụ thuộc vào các kỹ nghệ xử lí nguyên liệu mà thôi. Hóa chất hiện đang được bán rất phổ biến trên thị trường với giá hợp lý, quy trình thực hiện không đòi hỏi máy móc thiết bị gì cả nên người khuyết tật cũng có thể làm...” – GS Hiển khẳng định.

Còn những hộ gia đình nào ở gần vùng đệm của các khu rừng nguyên sinh là điều kiện thuận lợi để có thể đầu tư xây dựng những khu du lịch sinh thái. Việc đơn giản chỉ là quy hoạch vườn nhà thành các điểm trồng cây cảnh, cây ăn trái sao cho có giá trị du lịch. Sau đó có thể bắt các loại bướm đang trong quá trình mang thai về thả vào vườn để nó sinh sản. Một con bướm cái bình quân có thể sinh sản ra từ 150 - 200 con bướm con trong mỗi lần. Khi bướm đã nhiều có thể sử dụng làm nguyên liệu để làm tranh, vừa có nguồn thu từ du lịch, vừa có nguồn thu từ sản phẩm tự làm lại tận dụng được nguồn nhân lực. “Từ thiên nhiên có thể tạo thành sản phẩm để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến thế giới mà lại cải thiện được kinh tế đó là một điều nên làm ngay” – GS Hiển khẳng định.
 
Hà Tùng Long (giadinh.net)
Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến