Thứ hai, 01/02/2010 - 13:47

“Màu dân tộc” lại “bừng trên giấy điệp”?

Một năm, chợ tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) chỉ họp 5 phiên vào tháng Chạp. Tháng ấy, cả làng như mở hội. Đi đâu cũng chỉ thấy tranh và nghe người ta nói chuyện về tranh. Tranh xếp kín trong nhà, tràn ra bờ hiên, tranh hong dài trên mái rạ, trải dọc triền đê, rồi sau đó theo chân các thuyền buôn ngược xuôi khắp phố thị…

Đó là câu chuyện của mấy mươi năm về trước, khi cả làng có 17 dòng họ làm tranh. Thương hiệu tranh Đông Hồ trở thành mặt hàng xuất khẩu được ưa thích ở các nước Đông Âu. Song giờ đây, làng tranh trù phú, tấp nập ấy chỉ còn hai gia đình đang gắng gượng giữ nghề.

Ông Nguyễn Hữu Sam, sinh năm 1930 trong một gia đình có truyền thống làm tranh. Khi còn nhỏ, ông đã đam mê những sắc màu độc đáo của tranh Đông Hồ. Từ năm 1967 đến năm 1989, ông vừa là Đội trưởng Đội sản xuất tranh, trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật, vừa nghiên cứu, sưu tầm, phục chế, sáng tác tranh. Đến nay, ông đã có hơn 600 bản khắc, sưu tầm, phục chế và sáng tác, trong đó có gần 200 bản khắc cổ. Trong cơn lốc của nghề hàng mã, nhà ông Sam vẫn trụ vững với nghề đến tận hôm nay.

So với ông Sam, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có may mắn là được đào tạo trong môi trường nghệ thuật hiện đại. Do đó, ông càng hiểu rõ hơn nguy cơ mai một của nghề tranh truyền thống.

Ông Chế nhớ lại: “Khi tôi trưởng thành thì nghề tranh Đông Hồ cũng bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái. Tranh làm ra bán trong làng, ngoài tỉnh chẳng có người mua. Bởi vậy, chẳng mấy ai còn thiết giữ nghề. Ván khắc, khuôn tranh vì thế mà cũng thất lạc. Vậy nên mỗi lúc rảnh rỗi về quê, tôi lại lân la đi tìm mua lại những bản khắc cũ”.

Đó là hai nghệ nhân vẫn còn tâm huyết giữ nghề tranh Đông Hồ. Nhưng họ đều đã ở tuổi “cổ lai hi”, chẳng còn gắn bó với nghề được bao lâu nữa.

Đến làng Đông Hồ hôm nay, người ta dễ dàng bắt gặp những tấm biển hiệu “Nhận đặt xe máy”, “Chuyên ôtô”... – những dịch vụ đáp ứng công việc làm hàng mã đang rất thịnh ở làng tranh nổi tiếng này. Khi chúng tôi có mặt ở Đông Hồ là lúc “chính vụ” làm hàng mã. Nhà nào cũng chất đầy những giấy màu các loại. Những đôi tay nhỏ xíu của các em nhỏ học lớp 3 đã quen với việc phết hồ, dán những miếng bìa, giấy màu để làm hàng mã.

Nằm ven sông Đuống, làng Mái những ngày cuối năm tấp nập, xe tải chạy nườm nượp trên đường để chở hàng ra thành phố. Cũng giấy, cũng hồ, phẩm màu xanh đỏ, song đó không phải là xe chở tranh mà là chở hàng mã. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi chợt nhớ đến câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp. Lòng buồn man mác, tôi tự hỏi, không biết đến bao giờ, “màu dân tộc” lại “bừng trên giấy điệp”?!

Bài và ảnh: THU HÀ (Báo QĐND)

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến