Thứ hai, 01/02/2010 - 13:47

Đông Hồ chu du kí

Và để “tận mục sở thị” cho những điều mà mình từng suýt soa khen hay, đẹp... trên trang sách, tôi đã làm một cuộc “hành trình” về làng tranh Đông Hồ. Nói là “hành trình” cho oai, chứ thực ra từ Hà Nội về Bắc Ninh đâu có xa xôi gì, nhưng trước đây là do... lười đi.

Vượt qua quãng đường hơn 40 cây số... đầy bụi (thành phố Bắc Ninh đang trong thời kì xây dựng nên bụi bặm nhiều là chuyện... bình thường) tôi đã đến được làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). 
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến làng tranh Đông Hồ là: sao mà lắm... vàng mã thế. Cứ tưởng mình đi lạc. Nhưng không, địa chỉ rõ ràng, tôi đang đứng ở làng tranh nức tiếng Đông Hồ. Đi từ đầu làng thấy cảnh làm vàng mã thật nhộn nhịp, nhà nhà làm vàng mã...  Căng mắt tìm mãi mà chẳng thấy nhà vẽ tranh...  Khó tìm quá!


Cuối cùng tôi cũng tìm được  nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - một trong số ít nghệ nhân còn lại theo đuổi nghề tranh ở Đông Hồ (tranh của Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế rất nổi tiếng, đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng). 
Khi tôi thắc mắc tại sao ở làng tranh Đông Hồ không thấy tranh mà chỉ thấy... vàng mã “phủ sóng”, anh Nguyễn Đăng Tâm, con trai Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, cho biết nghề tranh Đông Hồ đang bị “thất truyền”. Nghề làm tranh và làm vàng mã đều là những nghề truyền thống ở Đông Hồ. Nhưng từ cuối những năm 90, nghề vàng mã “lên ngôi” lấn át tranh vì làm vàng mã nhanh, tiêu thụ được nhiều trong khi tranh Đông Hồ thì ngày càng... ế. Cả làng trước đây có hơn 150 hộ làm tranh nhưng bây giờ chỉ còn lại... 4 hộ, còn lại là làm vàng mã. 
Tôi cứ tưởng tranh Đông Hồ chỉ có khoảng chục mẫu: Đám cuới Chuột, Lợn âm dương, Mục đồng thổi sáo, Hứng dừa... Nhưng gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết đó chỉ là những mẫu quen thuộc, còn rất nhiều mẫu khác mà gia đình ông đang có, khoảng trên 200 mẫu cổ.


Được tận mắt nhìn quá trình làm một bức tranh Đông Hồ mới thấy hết sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của Nghệ nhân. Những bức tranh Đông Hồ không thể sản xuất hàng loạt theo “công nghệ dây chuyền” mà hoàn toàn thủ công và có nhiều công đoạn khác nhau. Đến thăm nhà nghệ nhân , bạn có thể xem các công đoạn và được nghe giải đáp mọi thắc mắc của bạn liên quan đến tranh.


Tôi bắt gặp những ánh mắt thích thú của du khách nước ngoài khi ngắm nhìn những bức tranh Đông Hồ và những bức tranh “cổ điển” mang đậm tính dân tộc đã theo nhiều du khách ra tận nước ngoài.


Nếu có dịp, bạn hãy đến làng tranh Đông Hồ để hiểu và yêu hơn về một làng nghề đã có lịch sử hơn 500 năm, lưu giữ bao giá trị truyền thống qúy giá trên những bức tranh. Và chắc rằng khi đến đó, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc hơn câu thơ mà thi sĩ Hoàng Cầm đã viết 
“ Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”...


Mecghi (Muctim)

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến