Thứ hai, 01/02/2010 - 13:47

Hoài niệm làng giấy dó

Ông Nguyễn Văn Chuyển, cán bộ UBND xã Phong Khê, giải thích nghề làm giấy dó ra đời từ đời Tiền Lê, khi nhu cầu sử dụng giấy xuất hiện, nhất là khi có khoa cử. Giấy dó của làng thực sự nổi tiếng khi gắn liền với tranh Đông Hồ. Hồn giấy là những bức tranh dân gian khắc gỗ làng Đông Hồ, một làng cổ Kinh Bắc khác, cách Phong Khê gần 20 km. Những Đám cưới chuột, Hứng dừa, Đánh ghen, Đàn cá chép... chỉ nổi tiếng khi in trên giấy dó Phong Khê.

Cây dó nguyên liệu được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng người Phong Khê kén chọn, ít khi chọn thứ dó Yên Bái, Lào Cai mà phải là của Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang và cũng chỉ mua dó vào tháng 8 âm lịch. Dó mang về, lột tiếp lớp vỏ đen, lấy lượt vỏ trắng ngâm nước vôi 24 tiếng mùa hè, 36 tiếng mùa đông. Sau đó vớt ra, bó thành từng mớ, ngâm vào nước vôi tôi. Chuyển sang thùng nấu, cứ một thùng là 50 kg dó hết 20 kg than, than tàn dó cũng chín đúng độ. Một ngày sau, dỡ ra lại ngâm nước cho hết vôi, nhặt bỏ từng mấu nhỏ còn sót lại. Dó đem đi rửa tiếp, cho vào bể ngâm 15-20 ngày, rồi vớt ra, cho vào cối giã nhuyễn, đem đãi lấy nước trong, cho vào bể... Tính sơ sơ từ cây dó ra được tờ giấy phải qua 10 công đoạn, tức là gần một tháng.

Ông cụ Lưu, một lão nghệ nhân lôi ra xấp giấy chính hiệu Phong Khê khoe với khách: “Giấy dó xịn phải trong, mỏng, mịn, sờ vào mát tay như lụa tơ tằm thế này chứ!”. Cụ tự hào vì mấy hôm trước được Bảo tàng Dân tộc học mời về giới thiệu nghề làm giấy dó Phong Khê. Song đến khi trở về làng, cụ lại buồn. Đông Hồ giờ đã chuyển nghề làm hàng mã. Cả làng tranh dân gian nổi tiếng chỉ còn 2 người gắn bó với nghề: nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam. Nhưng cả hai giờ đã già, làm tranh khắc gỗ không phải để mưu sinh mà chỉ để chơi, để đỡ nhớ nghề. Giấy dó Phong Khê vì thế cũng lay lắt theo.

Để tồn tại, Phong Khê chuyển sang làm giấy bản, giấy in, bao bì và cả... giấy vệ sinh. Chị Ngô Thị Thu, một trong số 4 hộ gia đình còn giữ nghề, cho biết, giấy dó bây giờ có dăm bảy loại. Họa hoằn lắm có người đặt hàng, nhà chị mới làm thứ giấy cao cấp từ cây dó Cao Bằng, mỗi lần cũng chỉ dăm ba nghìn tờ. Mỗi tờ giá có 400 đồng, lãi lời chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu mưu sinh hằng ngày của hai vợ chồng và cậu con trai đang học ĐH Bách khoa năm cuối. Giấy dó nuôi sống gia đình chị là loại chất lượng kém, pha tạp nhiều.

Làng Phong Khê giờ rất giàu. Cụm công nghiệp làng tập hợp hơn 120 xí nghiệp sản xuất giấy, mỗi doanh nghiệp có vốn từ vài tỷ đến 50 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người gần 20 triệu đồng/năm. Anh Phúc, chủ doanh nghiệp sản xuất giấy Phúc Hân, tự hào rằng khu công nghiệp mỗi năm làm ra hơn 40.000 tấn giấy. Chất lượng chỉ kém giấy Bãi Bằng, còn cỡ giấy Tân Mai thì chẳng có gì phải ngại. Chuyển sang chuyện giấy dó, anh Phúc có vẻ bần thần: "Biết sao được, làng tôi không những phải sống mà còn lo chuyện làm giàu. Xã hội không dùng giấy dó thì sản xuất ra bán cho ai?".


(Người Lao Động)

Top
Tìm kiếm
Khoảng giá
  -  
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến